LỆ PHÍ, CHI PHÍ PHÁ SẢN VÀ TẠM ỨNG CHI PHÍ PHÁ SẢN

Khi yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản, hầu hết người yêu cầu phải nộp lệ phí theo quy định của pháp luật trừ một số trường hợp được miễn. Vậy lệ phí, chi phí mở thủ tục phá sản là bao nhiêu? Công ty Luật Nguyễn Lê Trần và Cộng sự xin tư vấn như sau:

Lệ phí yêu cầu mở thủ tục phá sản:

Theo quy định tại khoản 11 Điều 4 Luật Phá sản 2014 thì: “Lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (sau đây gọi là lệ phí phá sản) là khoản tiền mà người yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp để Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.”

Và Điều 22 Luật Phá sản 2014 quy định:

“Điều 22. Lệ phí phá sản

Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp lệ phí phá sản theo quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án nhân dân. Trường hợp người nộp đơn quy định tại khoản 2 Điều 5 và điểm a khoản 1 Điều 105 của Luật này không phải nộp lệ phí phá sản.”

Theo Danh mục lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hiện nay là 1,5 triệu đồng.

Tuy nhiên nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không phải nộp Lệ phí phá sản (Điều 22 Luật Phá sản 2014).

  • Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở (khoản 2 Điều 5).
  • Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã; Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản (khoản 3,4 Điều 5).

 

Chi phí phá sản:

“Chi phí phá sản là khoản tiền phải chi trả cho việc giải quyết phá sản, bao gồm chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, chi phí kiểm toán, chi phí đăng báo và các chi phí khác theo quy định của pháp luật.”(quy định tại khoản 12 Điều 4 Luật Phá sản 2014)

  • “Chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản là khoản tiền phải chi trả cho việc giải quyết phá sản của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.” (khoản 13 Điều 4 Luật Phá sản 2014).
  • Chi phí phá sản được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
  • Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp tạm ứng chi phí phá sản, trừ 2 trường hợp không phải nộp giống như lệ phí phá sản.
  • Khoản 4 Điều Điều 21 Nghị định 22/2015/NĐ-CPmức thù lao Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý tài sản đối với trường hợp DN, HTX bị tuyên bố phá sản theo quy định của Luật Phá sản 2014 được xác định như sau:
TT Tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý Mức thù lao
1 Dưới 100 triệu đồng  5% tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý.
2 Từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng  5 tháng lương cơ sở theo quy định của pháp luật về lương cơ sở      đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang + 4%  của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 100 triệu đồng.
3 Từ trên 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng  20 tháng lương cơ sở theo quy định của pháp luật về lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang + 3% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 500 triệu đồng.
4 Từ trên 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng  36 tháng lương cơ sở theo quy định của pháp luật về lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang + 2% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 1 tỷ đồng.
5 Từ trên 10 tỷ đến 50 tỷ đồng  Mức thù lao đối với tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý đến 10 tỷ đồng xác định theo mục 4 của Bảng này + 0,5% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 10 tỷ đồng.
6 Từ trên 50 tỷ đồng  Mức thù lao đối với tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý đến 50 tỷ đồng xác định theo mục 5 của Bảng này + 0,3% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 50 tỷ đồng.
  • Đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản do Doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng doanh nghiệp, hợp tác xã vẫn mất khả năng thanh toán thì thù lao bao gồm mức thù lao được xác định theo từng trường hợp quy định ở bảng trên cộng với thù lao giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong quá trình doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thực hiện phương án phục hồi kinh doanh (điểm c khoản 4 Điều 21 Nghị định 22/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phá sản và Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản);
  • Đối với trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc trường hợp thực hiện xong phương án phục hồi kinh doanh thì mức thù lao do Thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thỏa thuận (điểm d khoản 4 Điều 21 Nghị định 22/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phá sản và Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản);
  • Trong đó thù lao giám sát hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp do Thẩm phán và Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thỏa thuận trên cơ sở căn cứ vào Thời gian, công sức, kết quả thực hiện của Quản tài viên (khoản 2 Điều 21 Nghị định 22/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phá sản và Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản) và phương thức tính thù lao là giờ làm việc, mức thù lao trọn gói, mức thù lao tính theo tỷ lệ phần trăm tổng giá trị tài sản doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản thu được sau khi thanh lý (khoản 3 Điều 21 Nghị định 22/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phá sản và Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản);
  • Trong trường hợp Hội nghị chủ nợ và Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản có thỏa thuận khác về mức thù lao thì mức thù lao được áp dụng theo thỏa thuận đó (khoản 5 Điều 21 Nghị định 22/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phá sản và Quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản).

Tạm ứng chi phí phá sản:

  • Tạm ứng chi phí phá sản là khoản tiền do Tòa án nhân dân quyết định để đăng báo, tạm ứng chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản (khoản 14 Điều 4 Luật Phá sản 2014).
  • Tòa án nhân dân quyết định mức tạm ứng chi phí phá sản, mức chi phí phá sản trong từng trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật và quyết định việc hoàn trả tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không trung thực (khoản 4 Điều 23, khoản 4 Điều 19 Luật Phá sản 2014).
  • Theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Luật phá sản 2014 thì Tòa án dự tính số tiền tạm ứng chi phí phá sản, tuy nhiên hiện nay mới chỉ có quy định về mức thù lao đối với quản tài viên tại Điều 21 Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ, chưa có quy định cụ thể về dự tính số tiền tạm ứng chi phí phá sản.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần và Cộng sự. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.

CÔNG TY LUẬT TNHH NGUYỄN LÊ TRẦN VÀ CỘNG SỰ

Địa chỉ: 14-16 Tôn Đản, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: 0938343384 (Ls Binh) – 0938132982 (Ls Quyền) – 0977761893 (Ls Huy)

Email: nltlawfirm@gmail.com

Web: citylawyer.vn

Luật sư hàng đầu tại ILAW:

http://i-law.vn/luat-su/nguyen-duy-binh-301?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *