TRÌNH TỰ, THỦ TỤC MUA BÁN, SÁP NHẬP DOANH NGHIỆP M&A
M&A LÀ GÌ?
M&A là tên viết tắt của cụm từ tiếng Anh “ Merger and Acquistion”. Bản chất của hoạt động M&A sẽ bao gồm Merger– sáp nhập, hợp nhất và Acquistion– mua lại.
Ngoài ra khái niệm về thuật ngữ M&A được quy định cụ thể tại khoản 2,3 và 4 Luật Cạnh tranh 2018 như sau:
- Mergers( sáp nhập)
Sáp nhập doanh nghiệp là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập( Khoản 2 Điều 29 Luật Cạnh Tranh 2018)
Hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều doanh nghiệp chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình để hình thành một doanh nghiệp mới, đồng thời chấm dứt hoạt động kinh doanh hoặc sự tồn tại của các doanh nghiệp bị hợp nhất( Khoản 3 Điều 29 Luật Cạnh tranh 2018)
- Acquistion ( Mua lại)
Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để kiểm soát, chi phối doanh nghiệp hoặc một ngành, nghề của doanh nghiệp bị mua lại.( Khoản 3 Điêu 29 Luật Cạnh tranh 2018)
A. THỦ TỤC MUA BÁN DOANH NGHIỆP
- Mua bán doanh nghiệp tư nhân
Căn cứ theo quy định Điều 192 Luật Doanh nghiệp 2020
- Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp tư nhân của mình cho cá nhân, tổ chức khác;
- Đồng thời người mua doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký thay đổi chủ doanh nghiệp tư nhân
Thành phần hồ sơ bao gồm:
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp (Phụ lục II-3 Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT)
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người mua( Công dân Việt Nam – thẻ CCCD hoặc CMND,Hộ chiếu ; Công dân nước ngoài – Hộ chiếu nước ngoài hoặc giấy tờ có giá trị tương đương còn hiệu lực)
- Hợp đồng mua bán
- Giấy uỷ quyền cho người nộp hồ sơ kèm theo bản sao giấy tờ pháp lý của người nộp hồ sơ trong trường hợp uỷ quyền nộp hồ sơ
- Mua bán doanh nghiệp thông qua mua bán cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp
2.1 Chuyển nhượng cổ phần trong Công ty cổ phần
* Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 120, Điều 122, Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020 thì cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 03 năm đầu kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
* Cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập được tự do chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác và và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông sáng lập nếu được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông.
* Khi thực hiện việc chuyển nhượng các bên cần làm hợp đồng chuyển nhượng hoặc giao dịch cụ thể trên thị trường chứng khoán, đồng thời phải có ký tên đầy đủ vào hợp đồng, nếu giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trình tự, thủ tục được thực hiện theo quy định pháp luật về chứng khoán
* Cổ đông được quyền tặng, cho một phần hoặc toàn bộ cổ phần của mình tại công ty cho cá nhân, tổ chức khác; sử dụng cổ phần để trả nợ. Cá nhân, tổ chức đã được tặng cho hoặc nhận trả nợ sẽ trở thành cổ đông của công ty.
Trình tự, thủ tục chuyển nhượng
– Các cổ đông thực hiện các thủ tục chuyển nhượng, chuẩn bị hồ sơ chuyển nhượng cổ phần theo quy định nội bộ công ty
Có phải làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh khi chuyển nhượng cổ phần trong công ty cổ phần?
– Căn cứ theo khoản 2, Điều 57 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định “ 2. Việc thông báo thay đổi thông tin của cổ đông sáng lập với Phòng Đăng ký kinh doanh chỉ thực hiện trong trường hợp cổ đông sáng lập chưa thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần số cổ phần đã đăng ký mua theo quy định tại Điều 113 Luật Doanh nghiệp.” do đó không cần thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thông tin cổ đông sáng lập trong trường hợp chuyển nhượng cổ phần
Kê khai và nộp thuế TNCN sau khi chuyển nhượng cổ phần?
-Tối đa là 10 ngày sau khi ký hợp đồng chuyển nhượng, cổ đông chuyển nhượng cổ phần phải thực hiện nộp hồ sơ khai thuế TNCN tới cơ quan thuế quản lý và phải đóng 0,1% tiền thuế TNCN trên giá trị vốn chuyển nhượng
2.2 Chuyển nhượng phần vốn góp Công ty TNHH hai thành viên trở lên
* Việc chuyển phần vốn góp làm thay đổi loại hình doanh nghiệp thành Công ty TNHH một thành viên
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 26 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thủ tục để thay đổi loại hình doanh nghiệp thành Công ty TNHH một thành viên cần những thủ tục sau :
Thành phần hồ sơ bao gồm
- Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
- Điều lệ công ty.
- Bản sao các giấy tờ CCCD/CMND của các thành viên là cá nhân, đại diện theo pháp luật; đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự
- Hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng
- Nghị quyết, quyết định và bản sao biên bản họp Hội đồng thành viên công ty TTH hai thành viên trở lên về việc chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty TNHH MTV.
- Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.
- Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp uỷ quyền nộp hồ sơ.
* Việc chuyển nhượng phần vốn góp không làm thay đổi loại hình doanh nghiệp
Công ty thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên theo quy định tại Khoản 2 Điều 52 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:
Thành phần hồ sơ
- Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp;
- Danh sách thành viên công ty;
- Hợp đồng chuyển nhượng hoặc các giấy tờ chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng;
- Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân trong trường hợp thành viên mới là cá nhân; bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức, bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và bản sao văn bản cử người đại diện theo ủy quyền trong trường hợp thành viên mới là tổ chức (Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự);
- Văn bản của Cơ quan đăng ký đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đối với trường hợp phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp theo quy định của Luật Đầu tư.
- Văn bản ủy quyền cho cá nhân thực hiện thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp uỷ quyền nộp hồ sơ và bản sao giấy tờ pháp lý cá nhân của người nộp hồ sơ.
B. THỦ TỤC SÁP NHẬP DOANH NGHIỆP
Căn cứ Điều 201 Luật Doanh nghiệp 2020 thì công ty bị sáp nhập sáp nhập vào một công ty nhận sáp nhập bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.
- Thủ tục sáp nhập công ty
- Chuẩn bị hợp đồng sáp nhập và dự thảo Điều lệ công ty nhận sáp nhập.
- Tiến hành đăng ký doanh nghiệp công ty nhận sáp nhập.
- Gửi hợp đồng sáp nhập đến tất cả chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua.
- Cơ quan đăng ký kinh doanh tiến hành cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị sáp nhập trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và thực hiện thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp cho công ty nhận sáp nhập.
Trường hợp công ty bị sáp nhập có địa chỉ trụ sở chính ngoài tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi công ty nhận sáp nhập đặt trụ sở chính thì Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty nhận sáp nhập đặt trụ sở chính thông báo việc đăng ký doanh nghiệp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi công ty bị sáp nhập đặt trụ sở chính để cập nhật tình trạng pháp lý của công ty bị sáp nhập trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
2. Điều kiện sáp nhập doanh nghiệp?
Trường hợp sáp nhập mà công ty nhận sáp nhập chiếm từ 30% đến 50% thị phần của thị trường liên quan thì đại diện hợp pháp của công ty nhận sáp nhập bắt buộc phải thông báo cho Cơ quan quản lý cạnh tranh trước khi tiến hành sáp nhập, trừ trường hợp được quy định khác trong Luật cạnh tranh.
– Nghiêm cấm các trường hợp sáp nhập mà trong đó công ty nhận sáp nhập chiếm trên 50% thị phần của thị trường liên quan, trừ trường hợp được quy định khác trong Luật cạnh tranh.
3. Hồ sơ sáp nhập doanh nghiệp bao gồm :
- Hợp đồng sáp nhập;
- Biên bản họp và Quyết định của công ty nhận sáp nhập thông qua hợp đồng sáp nhập;
- Biên bản họp và Quyết định của của công ty bị sáp nhập thông qua hợp đồng sáp nhập. Trừ trường hợp công ty nhận sáp nhập chiếm từ 65% phần vốn góp, cổ phần có quyền biểu quyết của công ty bị sáp nhập;
- Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ tương đương khác của các công ty bị sáp nhập;
- Thông báo về việc bổ sung, cập nhật thông tin đăng ký doanh nghiệp theo mẫu Phụ lục II-5 ban hành kèm theo Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT.
Trên đây là toàn bộ nội dung về trình tự, thủ tục mua bán, sáp nhập doanh nghiệp M&A. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ:
CÔNG TY LUẬT TNHH NGUYỄN LÊ TRẦN VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ: 14-16 Tôn Đản, phường 13, Quận 4, thành phố Hồ Chí Minh
Số điện thoại: 0938343384 (Luật sư Binh)
Website: citylawyer.vn
#muaban
#sapnhap
#doanhnghiep
#M&A