Địa chỉ: Số 14 -16 Tôn Đản, Phường 13, Quận 4, TP. Hồ Chí Minh
Hotline 24/7: 093 834 3384

Đang ở nước ngoài làm thế nào để có thể nhận di sản thừa kế?

Mục lục

    Nhận Di Sản Thừa Kế Khi Đang Sống Ở Nước Ngoài: Các Quy Trình Và Lưu Ý

    Năm 2011 theo như di chúc của bà Nội để lại thì tôi được nhận thừa kế căn nhà ở Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Di chúc bà Nội để lại có công chứng hợp pháp tuy nhiên do thời điểm đó tôi chưa đủ 18 tuổi nên chưa nhận được di sản thừa kế theo như điều kiện của Bà Nội để lại trong nội dung di chúc. Sau này tôi đi định cư ở Canada. Đến nay tôi đã đủ 18 tuổi. Vậy cho tôi hỏi thủ tục để nhận di sản thừa kế của bà Nội thì trường hợp của tôi được quy định như thế nào? Và tôi có thể uỷ quyền cho người thân ở Việt Nam được không?

    Cùng Công ty Luật Nguyễn Lê Trần và Cộng sự trả lời câu hỏi trên:

    Thủ tục nhận di sản thừa kế có yếu tố nước ngoài vẫn tiến hành như thủ tục thông thường, được quy định tại Luật Công chứng 2014 và Nghị định 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật công chứng. Trường hợp thừa kế có yếu tố nước ngoài, nếu người thừa kế ở nước ngoài không có điều kiện về Việt Nam lâu dài để thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế thì có thể lựa chọn một trong hai cách như sau:

    1. Một trong những người đồng thừa kế đến tổ chức hành nghề công chứng để yêu cầu công chứng và cung cấp trước một bộ hồ sơ liên quan đến việc khai nhận di sản thừa kế. Người đang ở nước ngoài có thể gửi hồ sơ (giấy tờ tuỳ thân, giấy tờ chứng minh quan hệ với người để lại di sản..) về nước trước để yêu người thân ở Việt Nam làm thủ tục yêu cầu công chứng (có thể gửi bản sao). Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, tổ chức hành nghề công chứng tiến hành thủ tục công chứng như thông thường. Sau 15 ngày niêm yết nếu không có khiếu nại, tố cáo gì thì tiến hành khai nhận di sản thừa kế (Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP). Lúc này người đang ở nước ngoài có thể về nước cùng các đồng thừa kế đến tổ chức hành nghề công chứng để lập và ký văn bản khai nhận di sản thưà kế. Khi lập và ký văn bản trước sự chứng kiến của công chứng viên thì người ký phải xuất trình giấy tờ tuỳ thân và giấy tờ liên quan đến việc khai nhận di sản thừa kế của mình.
    2. Trường hợp người đang ở nước ngoài không thể về nước được thì có thể uỷ quyền để người ở Việt Nam thay mình tiến hành thủ tục khai nhận di sản theo quy định của pháp luật. Việc uỷ quyền được thực hiện tại cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tại nước mà người đó đang sinh sống như: Đại sứ quán, Lãnh sự quán.

    Trong giấy uỷ quyền ghi rõ thông tin về người uỷ quyền và người được uỷ quyền (là thông tin về việc thừa kế tài sản được thừa kế..). Đồng thời ghi rõ nội dung uỷ quyền như: “Người uỷ quyền được thay mặt và nhân danh tôi tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật”. Sau khi có giấy uỷ quyền của người đang ở nước ngoài về, thì người được uỷ quyền có thể cùng tới với các đồng thừa kế khác đến tổ chức hành nghề công chứng để yêu cầu tiến hành thủ tục khai nhận di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.

    Lưu ý rằng, người được uỷ quyền chỉ thực hiện các công việc trong phạm vi được uỷ quyền. Như vậy, tuỳ theo từng trường hợp cụ thể anh có thể lựa chọn một trong hai cách như trên để tiến hành thủ tục nhận di sản thừa kế mà bà Nội để lại cho anh.

    Trên đây là tư vấn của Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần và Cộng sự. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.

    Người viết bài: Kim Huệ.

    CÔNG TY LUT TNHH NGUYN LÊ TRN VÀ CNG S

    Địa ch: 14-16 Tôn Đản, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.

    Hotline: 0938343384 (Ls Binh).

    Email: nltlawfirm@gmail.com

    Web: citylawyer.vn