Trên thực tế, rất nhiều trường hợp người sử dụng lao động lợi dụng những điểm yếu của người lao động chẳng hạn như nhu cầu việc làm, mưu sinh, thiếu hiểu biết về pháp luật,… để đưa ra những quyết định xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Để tự bảo vệ mình, người lao động nên trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về pháp luật Luật Lao động hay một số văn bản pháp luật khác liên quan quy đinh về vấn đề này. Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần và Cộng sự xin được tư vấn như sau:
Khi nhận thấy quyết định, hành vi của người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thì người lao động nên:
– Làm đơn khiếu nại lần đầu và gửi đến người sử dụng lao động trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày người lao động nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của người sử dụng lao động vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ-CP về giải quyết khiếu nại tố cáo trong lĩnh vực lao động).
– Người có thẩm quyền phải giải quyết vụ việc trong thời hạn 30 ngày đối với vụ việc bình thường và 45 ngày đối với vụ việc phức tạp kể từ ngày thụ lý; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày đối với vụ việc bình thường và 60 ngày đối với vụ việc phức tạp kể từ ngày thụ lý (Điều 20 NĐ 24/2018/ NĐ-CP)
– Trong thời hạn 30 ngày đối với vụ việc bình thường và 45 ngày đối với vụ việc phức tạp kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày đối với vụ việc bình thường và 60 ngày đối với vụ việc phức tạp kể từ ngày thụ lý. Đối với khiếu nại lần 2 thì người lao động gửi đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính (Điều 27 NĐ 24/2018/NĐ-CP).
– Đối với trường hợp có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình; không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại Điều 23 Nghị định này; Đã hết thời hạn quy định tại Điều 20 Nghị định này mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự (Điểm a khoản 2 Điều 10 NĐ 24/2018/NĐ-CP).
– Đối với trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định tại Điều 31 Nghị định này; Đã hết thời hạn quy định tại Điều 28 Nghị định này mà khiếu nại lần hai không được giải quyết. Trường hợp này thì người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính (Điểm b khoản 2 Điều 10 NĐ 24/2018/NĐ-CP).
Căn cứ theo quy định tại Nghị định 24/2018 NĐ-CP Quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực lao động, giáo dục nghề nghiệp, hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, việc làm, an toàn, vệ sinh lao động có các quy định như sau:
- Quy định tại Điều 3 giải thích từ ngữ:
“1. Khiếu nại về lao động là việc người lao động, người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động, người thử việc theo thủ tục quy định tại Nghị định này yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động xem xét lại quyết định, hành vi về lao động của người sử dụng lao động khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
- Quyết định về lao động là quyết định bằng văn bản của người sử dụng lao động được áp dụng đối với người lao động, người tập nghề, người thử việc trong quan hệ lao động.
- Hành vi về lao động là hành vi của người sử dụng lao động, của người lao động thực hiện trong quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động.”
- Quy định về hình thức khiếu nại:
“Điều 6. Hình thức khiếu nại
- Khiếu nại thực hiện bằng hình thức gửi đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp, được quy định như sau:
- a) Khiếu nại bằng hình thức gửi đơn thì trong đơn khiếu nại ghi rõ nội dung sau đây: ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại (nếu có) và yêu cầu giải quyết khiếu nại. Đơn khiếu nại do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ;
- b) Khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại đầy đủ nội dung khiếu nại theo quy định tại điểm a khoản này và yêu cầu người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản.”
- Quy định về trình tự khiếu nại:
“Điều 5. Trình tự khiếu nại
- Khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động; cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp; doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tổ chức dịch vụ việc làm, tổ chức có liên quan đến hoạt động tạo việc làm cho người lao động; tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người bị xâm phạm thực hiện khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại khoản 1 Điều 15, khoản 1 Điều 16, khoản 1 Điều 17 và khoản 1 Điều 18 Nghị định này hoặc khởi kiện tại tòa án theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định này.
- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại Điều 23 hoặc quá thời hạn quy định tại Điều 20 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện tại tòa án theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 10 Nghị định này hoặc thực hiện khiếu nại lần hai theo quy định sau đây:
…
- a) Đối với khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động, người khiếu nại thực hiện khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại quy định tại khoản 2 Điều 15 Nghị định này;
- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định tại Điều 31 hoặc quá thời hạn quy định tại Điều 28 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết thì người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án tại tòa án theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định này.
- Trường hợp người bị khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định tại Điều 31 thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 11 Nghị định này.”
- Quy định về thời hiệu khiếu nại:
“Điều 7. Thời hiệu khiếu nại
- Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 180 ngày, kể từ ngày người khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định, hành vi của người sử dụng lao động, của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp, của doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, của tổ chức dịch vụ việc làm, tổ chức có liên quan đến hoạt động tạo việc làm cho người lao động, tổ chức đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia bị khiếu nại.
- Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này vì ốm đau, thiên tai, địch họa, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.”
- Quy định về thụ lý giải quyết khiếu nại lần 2:
“Điều 27. Thụ lý giải quyết khiếu nại lần hai
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại quy định tại Điều 20 của Luật này mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai; đối với vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn có thể kéo dài hơn nhưng không quá 45 ngày.
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của mình, người giải quyết khiếu nại lần hai phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại.
- Trường hợp khiếu nại do cơ quan, tổ chức, cá nhân khác chuyển đến, ngoài việc thông báo cho người khiếu nại theo quy định tại khoản 2 Điều này, người giải quyết khiếu nại lần hai phải thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã chuyển khiếu nại đến.
- Trường hợp không thụ lý giải quyết thì phải nêu rõ lý do.”
- Khi khiếu nại quyết định, hành vi về việc làm thì nên nắm rõ về thẩm quyền giải quyết để tránh trường hợp gửi sai dẫn đến hết thời hiệu khiếu nại. Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại này được quy định như sau:
“Điều 15. Thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động
- Người sử dụng lao động có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về lao động, an toàn, vệ sinh lao động của mình bị khiếu nại.
- Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu theo quy định tại Điều 23 hoặc đã hết thời hạn quy định tại Điều 20 Nghị định này mà khiếu nại không được giải quyết.”
- Quyền khởi kiện của người lao động được quy định tại Điều 10 quy định về quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại:
“2. Quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án
- a) Người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự trong trường hợp sau đây:
– Có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động; tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp; doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình;
– Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu theo quy định tại Điều 23 Nghị định này;
– Đã hết thời hạn quy định tại Điều 20 Nghị định này mà khiếu nại lần đầu không được giải quyết.
- b) Người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính trong trường hợp sau đây:
– Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai theo quy định tại Điều 31 Nghị định này;
– Đã hết thời hạn quy định tại Điều 28 Nghị định này mà khiếu nại lần hai không được giải quyết.”
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần và Cộng sự. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.
Trân trọng!
Bài viết
Tuyết Kha
CÔNG TY LUẬT TNHH NGUYỄN LÊ TRẦN VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ: 14-16 Tôn Đản, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0938343384 (Ls Binh) – 0938132982 (Ls Quyền) – 0977761893 (Ls Huy)
Email: nltlawfirm@gmail.com
Web: www.citylawyer.vn
Luật sư hàng đầu tại ILAW: