ĐI XE KHÁCH GẶP TAI NẠN, AI CHỊU TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG?
Vừa qua, Công ty Luật Nguyễn Lê Trần và Cộng sự nhận được yêu cầu tư vấn, hỗ trợ pháp lý của Ông Q liên quan đến trách nhiệm bồi thường ngoài hợp đồng trong vụ việc tai nạn giao thông.
Theo Ông Q trình bày và hồ sơ cung cấp, Luật sư của Nguyễn Lê Trần và Cộng sự tóm lượt vụ việc như sau:
Bên bị thiệt hại là bà N (vợ ông Q) bị chấn thương chân nặng phải cưa một phần chân. Trước đó, Bà N là hành khách, đi xe khách của hãng xe PT gặp va chạm, tai nạn kinh hoàng giữa xe PT với xe đầu kéo (xe Container) tại địa bàn Xuân Lộc, Đồng Nai vào ngày 31/3/2019
Theo thông tin kết luận sơ bộ của Công an Xuân Lộc – Đồng Nai: lỗi hoàn toàn thuộc về xe Container.
Vụ tai nạn đến nay đã được hơn 01 tháng, tuy nhiên Ông Q vẫn chưa được các Bên tổ chức làm việc giải quyết về việc bồi thường thiệt hại, tổn thất cho gia đình Ông Q.
Hãng xe PT vẫn không thấy được vai trò của mình để chủ động liên hệ bồi thường kịp thời cho Bên bị thiệt hại.
Phía Công an Xuân Lộc (cán bộ phụ trách) trao đổi với Ông Q, cho rằng lỗi hoàn toàn thuộc về xe Container, nên Hãng xe PT không chịu trách nhiềm bồi thường và phía cán bộ công an hướng dẫn Ông Q liên hệ chủ xe Container yêu cầu bồi thường!?
Căn cứ theo các quy định của pháp luật hiện hành, Luật sư của Nguyễn Lê Trần và Cộng sự nhận định:
Hãng xe PT phải chịu trách nhiệm (chủ động) giải quyết bồi thường toàn bộ và kịp thời thiệt hại cho Bên bị thiệt hại – là Bà N (bao gồm về cả thiệt hại do sức khoẻ bị xâm phạm, tinh thần, vật chất, và thiệt hại khác) chứ không phải là chủ xe Container. Sau đó, Hãng xe PT có quyền kiện yêu cầu bên có lỗi (xe Container) phải bồi thường thiệt hại cho mình (bao gồm khoản bồi thường hợp lý cho Bên bị thiệt hại,…)
Các căn cứ Pháp luật:
Điều 528, 585, 590, 591 Bộ luật dân sự 2015
“Điều 528. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại
1. Trường hợp tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Bên vận chuyển không phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của hành khách, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Trường hợp hành khách vi phạm điều kiện vận chuyển đã thỏa thuận, quy định của điều lệ vận chuyển mà gây thiệt hại cho bên vận chuyển hoặc người thứ ba thì phải bồi thường”.
“Điều 585. Nguyên tắc bồi thường thiệt hại
1. Thiệt hại thực tế phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường nếu không có lỗi hoặc có lỗi vô ý và thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế của mình.
3. Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì bên bị thiệt hại hoặc bên gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường.
4. Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra.
5. Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình”
“Điều 590. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm
1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.
“Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định”.
Qua đây, Chúng tôi cũng gửi lời nhắn nhủ đến các Hãng xe khách đang từng ngày, từng giờ nắm giữ biết bao nhiêu sinh mạng của người khác phải hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của mình. Bên cạnh việc lái xe an toàn phải chịu trách nhiệm toàn bộ và kịp thời bồi thường cho hành khách bị nạn, đảm bảo hạn chế thiệt hại cho người bị nạn.