XE KHÁCH GẶP TAI NẠN, HÀNH KHÁCH ĐƯỢC BỒI THƯỜNG NHƯ THẾ NÀO?
Dù chiếm tỷ trọng không cao, nhưng khi xảy ra tai nạn giao thông liên quan đến xe khách, loại phương tiện này thường gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho hành khách trên xe. Vậy trách nhiệm bồi thường thiệt hại lúc này thuộc về ai? Trong trường hợp tai nạn xảy ra không do lỗi của nhà xe thì hành khách trên xe được bồi thường không? Được bồi thường như thế nào?
Sau đây Công ty Luật Nguyễn Lê Trần và Cộng sự sẽ giải đáp thắc mắc cho bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này nhằm đảm bảo quyền lợi cho bản thân, gia đình, người xung quanh khi không may gặp phải trường hợp trên.
Căn cứ theo Điều 528 Bộ luật Dân sự 2015:
“1. Trường hợp tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Bên vận chuyển không phải bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách nếu thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của hành khách, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
3. Trường hợp hành khách vi phạm điều kiện vận chuyển đã thỏa thuận, quy định của điều lệ vận chuyển mà gây thiệt hại cho bên vận chuyển hoặc người thứ ba thì phải bồi thường”.
Điều này có nghĩa là trong trường hợp hành khách trên xe bị thiệt hại về sức khỏe mà không phải do lỗi của hành khách thì cho dù thiệt hại xảy ra có xuất phát từ lỗi của nhà xe hay không, nhà xe vẫn phải có trách nhiệm bồi thường cho hành khách.
Trách nhiệm bồi thường của nhà xe như thế nào?
Căn cứ vào Điều 590 BLDS 2015, khi hành khách bị thiệt hại về sức khỏe sẽ được bồi thường các chi phí bao gồm:
– Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa như viện phí, thuốc men, khám chữa bệnh…; chi phí bồi dưỡng phục vụ cho việc ăn uống, đi lại…; chi phí phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại.
* Lưu ý: Cần lưu lại các hóa đơn, chứng từ chứng minh việc cho các mục chi phí trên.
– Thu nhập thực tế bị mất do không thể làm việc được trong khoảng thời gian điều trị, phục hồi sức khỏe.
– Thu nhập thực tế bị giảm sút do không thể phục hồi được sức khỏe ban đầu, dẫn đến công suất, hiệu quả làm việc bị sụt giảm.
– Chi phí hợp lý của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị như các chi phí về ăn uống, đi lại…
– Thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại vì không thể tạo ra thu nhập trong thời gian chăm sóc người bị thiệt hại.
– Chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc.
– Bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại phải gánh chịu vì bị ảnh hưởng đến cơ thể, sức khỏe. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì một người có sức khỏe bị xâm phạm được bù đắp một khoản tối đa không quá năm mươi lần mức lương cơ sở (mức lương cơ sở do Nhà nước quy định tại NĐ72/2018/NĐ-CP).
(Quy định chi tiết về các chi phí bồi thường thiệt hại được quy định tại NQ03/2006/NQ-HDTP)