QUYỀN YÊU CẦU HỦY BỎ NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẠI HỘI ĐỒNG CỔ ĐÔNG

Hiện nay việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông ở các công ty còn gặp không ít sai sót và bất cập dẫn đến việc Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông phải bị hủy bỏ.

Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản. Điều kiện để Nghị quyết được thông qua là nếu biểu quyết tại cuộc họp thì phải được số cổ đông đại diện ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của tất cả cổ đông dự họp tán thành hoặc được số cổ đông đại diện ít nhất 51% tổng số phiếu biểu quyết tán thành đối với hình thức lấy ý kiến bằng văn bản, tỷ lệ cụ thể do Điều lệ công ty quy định.

Theo quy định tại Điều 148 Luật doanh nghiệp 2014, Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông sẽ có hiệu lực trong trường hợp sau:

“Điều 148. Hiệu lực các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông

1. Các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông có hiệu lực kể từ ngày được thông qua hoặc từ thời điểm hiệu lực ghi tại nghị quyết đó.

2. Các nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông được thông qua bằng 100% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết là hợp pháp và có hiệu lực ngay cả khi trình tự và thủ tục thông qua nghị quyết đó không được thực hiện đúng như quy định.

3. Trường hợp có cổ đông, nhóm cổ đông yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại Điều 147 của Luật này, thì các nghị quyết đó vẫn có hiệu lực thi hành cho đến khi Tòa án, Trọng tài có quyết định khác, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.”

Vậy khi nào yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông và chủ thể nào có quyền yêu cầu? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ các vấn đề về việc yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

1.Quyền yêu cầu hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông

Theo quy định tại Điều 147 Luật doanh nghiệp 2014, khi cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 Luật doanh nghiệp 2014, nhận thấy trình tự, thủ tục, không thực hiện đúng theo Luật doanh nghiệp hoặc Điều lệ công ty hoặc nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật thì có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông. Cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 là “Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty”. Như vậy, để có quyền yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông, cổ đông, nhóm cổ đông phải đảm bảo 2 điều kiện sau đây:

-Phải sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên (một tỉ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty)
-Thời gian sở hữu số cổ phần trên phải liên tục ít nhất 06 tháng.

2.Thời hạn yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông.

Theo quy định tại Điều 147 Luật doanh nghiệp, thời hạn để yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông là trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông hoặc biên bản kết quả kiểm phiếu lấy ý kiến Đại hội đồng cổ đông.

3.Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông bị yêu cầu hủy bỏ

Cổ đông, nhóm cổ đông quy định tại khoản 2 Điều 114 Luật doanh nghiệp 2014, có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài xem xét, hủy bỏ Nghị quyết hoặc một phần nội dung Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong trường hợp sau đây:

-Trình tự và thủ tục triệu tập họp và ra quyết định của Đại hội đồng cổ đông không thực hiện đúng theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 148 của Luật doanh nghiệp 2014;
-Nội dung nghị quyết vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty.
Trường hợp có cổ đông, nhóm cổ đông yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hủy bỏ nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông theo quy định tại Điều 147 của Luật doanh nghiệp 2014, thì các nghị quyết đó vẫn có hiệu lực thi hành cho đến khi Tòa án, Trọng tài có quyết định khác, trừ trường hợp áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

Như vậy, trường hợp Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông không thực hiện đúng về trình tự, thủ tục hoặc có nội dung vi phạm pháp luật hoặc Điều lệ công ty thì cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu 10% tổng sổ cổ phần phổ thông trở lên trong ít nhất 06 tháng liên tục có quyền yêu cầu Tòa án, Trọng tài xemn xét, hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ nội dung Nghị quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn về quyền yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông trong công ty cổ phần của Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần và Cộng sự. Nếu Quý khách hàng có thắc mắc, cần hỗ trợ pháp lý về doanh nghiệp xin vui lòng qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ, thực hiện.

Trân trọng!

Bài viết
Nguyễn Minh Trí

#quyenyeucau
#huybo
#nghiquyet
#daihoidongcodong
#congtycophan

🍀🍀CÔNG TY LUẬT TNHH NGUYỄN LÊ TRẦN VÀ CỘNG SỰ ️
Địa chỉ: 14-16 Tôn Đản, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hotline: 0938.343.384 (Ls. Binh) – 0938.132.982 (Ls.Quyền) – 0977.761.893 (Ls.Huy)
Email: nltlawfirm@gmail.com
Web: www.citylawyer.vn

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *