Em chào luật sự! Xin luật sư tư vấn giúp em trường hợp sau: vợ chồng em được bố mẹ chồng cho 1 tỷ mua đất, đất vợ chồng em mua là 1.6 tỷ, xây là 800tr. Tiền 600tr mua đất và 800tr xây nhà là 2 vc em vay mượn. Đất đc đứng tên bố chồng, sau khi làm nhà xong đã làm thủ tục cho tặng chồng em. Em không được đứng tên trên sổ đỏ. Em muốn hỏi luật sư tư vấn là khi ly hôn tài sản sẽ phân chia như thế nào ạ? Em đang có 1 con trai 18 tháng. Khi ly hôn thì tiền chu cấp của người không nuôi con quy định là bao nhiêu ạ? Và nếu hiện tại 2 vc em muốn bán nhà thì có cần chữ ký của em trên giấy tờ bán nhà ko ạ?
Đối với trường hợp của bạn Luật sư xin được tư vấn như sau:
Thứ nhất, về tài sản
Tại Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình quy định như sau:
“Điều 43. Tài sản riêng của vợ, chồng
- Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có được trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng theo quy định tại các Điều 38, 39 và 40 của Luật này; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.”
Ngoài ra tại khoản 1 Điều 97 Luật Đất đai quy định:
“Điều 97. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước.”
Và tại Điều 44 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng như sau:
“Điều 44. Chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng
- Vợ, chồng có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản riêng của mình; nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào tài sản chung.
- Trong trường hợp vợ hoặc chồng không thể tự mình quản lý tài sản riêng và cũng không ủy quyền cho người khác quản lý thì bên kia có quyền quản lý tài sản đó. Việc quản lý tài sản phải đảm bảo lợi ích của người có tài sản.
- Nghĩa vụ riêng về tài sản của mỗi người được thanh toán từ tài sản riêng của người đó.
- Trường hợp vợ, chồng có tài sản riêng mà hoa lợi, lơi tức từ tài sản riêng đó là nguồn sống duy nhất của gia đình thì việc định đoạt tài sản này phải có sự đồng ý của vợ, chồng.”
Theo như thông tin bạn cung cấp về mặt Giấy tờ thể hiện bố chồng bạn đứng tên, sau đó làm thủ tục tặng cho chồng bạn. Như vậy đây được xác định là tài sản riêng của chồng bạn.
Do đó, theo như quy định trên, tài sản này là tài sản riêng của chồng bạn, nên chồng bạn có toàn quyền định đoạt đối với tài sản này. Trường hợp vợ chồng bạn muốn bán nhà thì không cần có chữ ký của bạn.
Tuy nhiên thực tế bạn trình bày, số tiền 600tr mua đất và 800tr xây nhà là số tiền mà 2 vợ chồng bạn vay mượn nên bạn có quyền lợi hợp pháp được bảo vệ. Tòa án sẽ căn cứ vào những chứng cứ bạn cung cấp để tính giá trị bạn được hưởng. Việc cần làm ngay là bạn phải gửi đơn ra Tòa và tranh chấp tài sản nêu trên để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản, sẽ bất lợi trong quá trình thi hành án sau này.
Thứ hai, về con chung
Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình quy định về việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn như sau:
“Điều 81. Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn
- Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.
- Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con”
Và Điều 116 Luật Hôn nhân và gia đình quy định:
“Điều 116. Mức cấp dưỡng
- Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.
- Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người giám hộ của con bạn thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết. Khi quyết định mức tiền phải cấp dưỡng Tòa án sẽ căn cứ vào thu nhập của người cấp dưỡng để đưa ra con số phù hợp. Tuy nhiên, trong trường hợp Tòa quyết định mức cấp dưỡng tiền nuôi con vượt quá khả năng của bên cấp dưỡng, thì người cấp dưỡng có quyền làm đơn đề nghị Tòa án xem xét lại mức cấp dưỡng.
Trên đây là tư vấn của Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần và Cộng sự. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGUYỄN LÊ TRẦN VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ: 14-16 Tôn Đản, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hotline: 0938343384 (Ls Binh) – 0938132982 (Ls Quyền) – 0977761893 (Ls Huy)
Email: nltlawfirm@gmail.com
Web: citylawyer.vn
Luật sư hàng đầu tại ILAW: