Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh. Theo quy định tại khoản 3 Điều 30 Luật Dân sự 2015 thì trẻ em sinh ra mà sống được từ hai mươi bốn giờ trở lên mới chết thì phải được khai sinh và khai tử; nếu sinh ra mà sống dưới hai mươi bốn giờ thì không phải khai sinh và khai tử, trừ trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ có yêu cầu.
Vậy ai có trách nhiệm làm Giấy khai sinh cho trẻ? Trong trường hợp chưa đăng ký kết hôn có được làm Giấy khai sinh có họ cha không? Đối với trường hợp này Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần và Cộng sự xin được tư vấn như sau:
Ai có trách nhiệm làm Giấy khai sinh cho trẻ?
Theo quy định tại Điều 15 Luật Hộ tịch thì người có trách nhiệm làm Giấy khai sinh cho trẻ là:
- Cha hoặc mẹ của con;
- Trường hợp cha, mẹ không thể đăng ký khai sinh cho con thì ông hoặc bà hoặc người thân thích khác hoặc cá nhân, tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ em có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em.
Và trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày sinh con, người có trách nhiệm phải đăng ký khai sinh cho trẻ.
Chưa đăng ký kết hôn có được làm Giấy khai sinh có họ cha không?
Theo quy định Điều 14 Luật Hôn nhân gia đình thì nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Tuy nhiên, quyền và nghĩa vụ đối với con cái thì vẫn như khi đăng ký kết hôn, vì theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Luật này thì con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha, mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình. Do đó trong thời hạn 60 ngày cha hoặc mẹ có trách nhiệm phải đăng ký khai sinh cho con.
- Trường hợp tại thời điểm đăng ký khai sinh không xác định được cha:
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ được sinh ra và đang cư trú sẽ thực hiện việc đăng ký khai sinh cho trẻ. Do đó khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.
Sau đó người cha muốn giấy khai sinh của con có đầy đủ thông tin về cha, mẹ (có thể theo họ cha), có 2 trường hợp như sau:
- Trường hợp 1: Không đăng ký kết hôn.
Trường hợp này thực hiện việc đăng ký nhận cha cho con chứ không cần phải đăng ký lại Giấy khai sinh cho con.
– Thủ tục đăng ký nhận cha cho con:
Theo quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch thì: Người yêu cầu đăng ký nhận cha cho con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký các bên phải có mặt.
Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con được hướng dẫn tại Thông tư 04/2020/TT-BTP hướng dẫn Luật Hộ tịch và Nghị định 123/2015/NĐ-CP về hộ tịch:
+ Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.
+ Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con như các giấy tờ nêu trên thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại Điều 5 Thông tư này, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.
- Trường hợp 2: Đăng ký kết hôn.
Trường hợp này, sau khi có Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, không phải thực hiện việc đăng ký nhận cha cho con mà thay vào đó là làm thủ tục bổ sung hộ tịch. Cụ thể, khoản 2 Điều 16 Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định như sau:
“2. Trường hợp con do người vợ sinh ra trước thời điểm đăng ký kết hôn, đã được đăng ký khai sinh nhưng không có thông tin về người cha, nay vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục nhận cha, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con.”
– Thủ tục bổ sung Hộ tịch:
Theo quy định tại Điều 29 Luật Hộ tịch thì: Người yêu cầu bổ sung hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ, nếu thấy yêu cầu bổ sung hộ tịch là đúng, công chức hộ tịch – tư pháp ghi nội dung bổ sung vào phần thông tin cha trong Giấy khai sinh và đóng dấu vào nội dung bổ sung.
- Trường hợp tại thời điểm đăng ký khai sinh người cha làm thủ tục nhận con:
Khi đó cán bộ hộ tịch có thể kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh theo quy định tại Điều 15 Nghị định 123/2015/NĐ-CP.
Như vậy, khi hai người chưa đăng ký kết hôn mà có con thì vẫn có thể khai sinh cho con theo họ của người cha.
Trên đây là tư vấn của Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần và Cộng sự. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGUYỄN LÊ TRẦN VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ: 14-16 Tôn Đản, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hotline: 0938343384 (Ls Binh) – 0938132982 (Ls Quyền) – 0977761893 (Ls Huy)
Email: nltlawfirm@gmail.com
Web: citylawyer.vn
Luật sư hàng đầu tại ILAW: