DI SẢN THUỘC VỀ AI KHI HẾT THỜI HIỆU YÊU CẦU CHIA DI SẢN?

DI SẢN THUỘC VỀ AI KHI HẾT THỜI HIỆU YÊU CẦU CHIA DI SẢN?

      Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống. Điều 612 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS) quy định “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”. Vậy trong trường hợp hết thời hạn yêu cầu chia thừa kế thì di sản thừa kế sẽ thuộc về ai? Công ty Luật Nguyễn Lê Trần và Cộng sự xin tư vấn như sau:

     Căn cứ tại khoản 4 Điều 4 Nghị Quyết 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao; Tại Điểm d Khoản 1 Điều 688 điều khoản chuyển tiếp của BLDS 2015; Tại công văn số 01/GĐ-TANDTC ngày 05/01/2018 Giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ nhằm đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật Tòa Tối cao. Đồng thời, khoản 1 Điều 623 BLDS 2015 quy định thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế, cụ thể:

“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế…”.

So với quy định trước đây của BLDS 2005, pháp luật chưa dự liệu được câu trả lời này, các Tòa án thường trả lại đơn khởi kiện hoặc ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn khởi kiện vì lý do “thời hiệu khởi kiện đã hết” từ đó gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của đương sự. Để khắc phục hạn chế trên, BLDS 2015 đã dự liệu ba trường hợp khi hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế. Cụ thể tại khoản 1 Điều 623 BLDS năm 2015, quy định:

  1. Di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó

– “Người thừa kế” bao gồm những người thừa kế theo pháp luật (Điều 651 BLDS); những người thừa kế theo di chúc. Trong đó, những người thừa kế theo pháp luật có thể là người thừa kế thế vị, người ở hàng thừa kế sau được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

– “Đang quản lý tài sản” là trực tiếp quản lý tài sản ở thời điểm hết thời hiệu yêu cầu chia di sản. Cũng cần phải hiểu quản lý không đòi hỏi phải trực tiếp sử dụng, họ có thể cho người khác thuê, mượn thì họ vẫn là người “đang quản lý”. Tuy nhiên, cần loại trừ những trường hợp cố tình chiếm quyền quản lý vào thời điểm hết thời hiệu khởi kiện để giành quyền sở hữu di sản hết thời hiệu chia một cách không ngay thẳng.

  1. Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật

     Đối với trường hợp khi đã hết thời hiệu yêu cầu chia thừa kế và không có người thừa kế đang quản lý di sản, thì người đang chiếm hữu đối với di sản đó được xác lập quyền sở hữu với điều kiện việc chiếm hữu của người này phải là chiếm hữu ngay tình theo quy định tại Điều 236 BLDS 2015 như sau:

Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

  1. Di sản thuộc về Nhà nước

     Theo như quy định tài điểm c khoản 1 Điều 623 BLDS 2015, thì trường hợp hết thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế, mà không có người thừa kế đang quản lý di sản, không có người chiếm hữu ngay tình di sản thừa kế của người chết theo quy định tại Điều 236 BLDS, thì di sản đó thuộc về Nhà nước.

Lưu ý:

     Căn cứ theo quy định của BLTTDS 2015 tại Điều 192 quy định các trường hợp trả lại đơn khởi kiện và Điều 184 quy định thời hiệu khởi kiện, trong mọi trường hợp, Tòa án không được từ chối giải quyết yêu cầu khởi kiện với lý do đã hết thời hiệu chia thừa kế như trước đây.

     Đối với yêu cầu chia di sản thừa kế, Tòa án chỉ áp dụng thời hiệu khi đáp ứng các điều kiện sau:

– Đã hết thời hạn 30 năm đối với bất động sản; 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế

– Một bên hoặc các bên có yêu cầu áp dung thời hiệu

– Yêu cầu áp dụng thời hiệu phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.

     Như vậy, mặc dù thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế trên thực tế đã hết, nhưng một bên hoặc các bên không yêu cầu áp dung thời hiệu thì Tòa án không được áp dụng thời hiệu để bác yêu cầu chia thừa kế của đương sự, mà việc yêu cầu chia thừa kế vẫn được tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. BLDS giới hạn quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu của đương sự trước khi tòa án cấp sơ thẩm ra Bản án, quyết định; sau giai đoạn này thì đương sự không có quyền yêu cầu áp dụng thời hiệu đối với giai đoạn phúc thẩm, giai đoạn giám đốc thẩm, tái thẩm.

      Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần và Cộng sự. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.

CÔNG TY LUẬT TNHH NGUYỄN LÊ TRẦN VÀ CỘNG SỰ

Địa chỉ: 14-16 Tôn Đản, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: 0938343384 (Ls Binh) – 0938132982 (Ls Quyền) – 0977761893 (Ls Huy)

Email: nltlawfirm@gmail.com

Luật sư hàng đầu tại ILAW:

http://i-law.vn/luat-su/nguyen-duy-binh-301?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *