ĐIỀU KIỆN ĐỂ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG HOẠT ĐỘNG THƯƠNG MẠI BẰNG TRỌNG TÀI THƯƠNG MẠI

Việc đẩy mạnh phát triển nền kinh tế đã dẫn đến nhiều hoạt động thương mại diễn ra ngày càng đa dạng, cũng từ đó đã kéo theo sự xuất hiện các tranh chấp trong hoạt động thương mại phát sinh ngày một nhiều và phức tạp. Vì vậy đòi hỏi phải có những phương thức giải quyết tranh chấp nhanh chóng và hiệu quả. Hiện nay, phương thức giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại đang được nhiều người lựa chọn bởi nó mang nhiều ưu điểm như nhanh chóng, linh hoạt, tôn trọng tối đa ý chí tự do cũng như đảm bảo tính bí mật và phán quyết của Trọng tài có giá trị chung thẩm, được sự công nhận quốc tế. Tuy nhiên, không phải mọi tranh chấp thương mại đều được giải quyết bằng trọng tài, điều đầu tiên là cần phải có một thỏa thuận trọng tài. Ngay cả khi tồn tại một thỏa thuận trọng tài thì chưa chắc Trọng tài đã có thẩm quyền giải quyết nếu như thỏa thuận trọng tài đó không có hiệu lực pháp lý.

1. Thỏa thuận trọng tài là gì?

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010, thỏa thuận trọng tài là thoả thuận giữa các bên về việc giải quyết bằng Trọng tài tranh chấp có thể phát sinh hoặc đã phát sinh.

2. Hình thức của thỏa thuận trọng tài

Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập trước hoặc sau khi phát sinh tranh chấp. Hình thức của một thỏa thuận trọng tài được quy định cụ thể tại Điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010:

Điều 16. Hình thức thoả thuận trọng tài

  1. Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.
  2. Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản:
  3. a) Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật;
  4. b) Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên;
  5. c) Thỏa thuận được luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên;
  6. d) Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác;

đ) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.”

 Theo đó, thỏa thuận trọng tài có thể được thể hiện dưới hình thức thỏa thuận riêng hoặc cũng có thể là một điều khoản nằm ngay trong hợp đồng nhưng có tính độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, hủy bỏ, hợp đồng vô hiệu không làm mất hiệu lực của thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài chỉ vô hiệu khi thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010.

3. Đặc điểm của thỏa thuận trọng tài

  • Tính tự nguyện

Đây là đặc điểm hết sức đặc trưng của thỏa thuận trọng tài. Khi nói đến thỏa thuận thì nó phải thể hiện được thiện chí của các bên cùng thống nhất vấn đề sau một quá trình đàm phán, thỏa thuận. Như vậy, bản chất của thỏa thuận là sự tự nguyện thống nhất ý chí của các bên về một vấn đề nào đó. Việc lựa chọn giải quyết tranh chấp là hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí của các bên, các bên có toàn quyền quyết định. Do đó thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp, đòi hỏi ở các bên phải hoàn toàn có sự tự nguyện.

  • Tính độc lập

Đây là các đặc điểm cơ bản của thỏa thuận trọng tài. Tính độc lập của thỏa thuận trọng tài ở đây được xét trong mối quan hệ với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, sự vô hiệu của hợp đồng không làm ảnh hưởng đến điều khoản thỏa thuận trọng tài. Như vậy, dù thỏa thuận trọng tài dưới dạng là một điều khoản trong hợp đồng hay là một thỏa thuận trọng tài riêng biệt đều tồn tại độc lập với hợp đồng.

  • Vai trò

Thỏa thuận trọng tài có vai trò quan trọng trong tố tụng trọng tài thương mại cũng như trong việc giải quyết tranh chấp phát sinh. Thỏa thuận trọng tài là yếu tố cơ bản cần thiết, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ hoạt động trọng tài kể từ lúc khởi đầu giải quyết tranh chấp bằng trọng tài cho đến khi kết thúc quá trình tố tụng trọng tài và thỏa thuận trọng tài cũng là căn cứ để công nhận và thi hành quyết định trọng tài.

  • Hậu quả pháp lý

Thỏa thuận trọng tài là thỏa thuận giữa các bên cam kết giải quyết bằng trọng tài các tranh chấp phát sinh. Thỏa thuận trọng tài vô hiệu sẽ dẫn đến hậu quả là vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài. Nếu các bên tranh chấp không thỏa thuận lại về trọng tài thì tranh chấp sẽ được giải quyết theo thủ tục tố tụng chung, nghĩa là các bên có thể thương lượng với nhau hoặc hòa giải hoặc đưa ra vụ việc giải quyết tại Tòa án. Tuy nhiên, thỏa thuận đó có thể vô hiệu bởi nhiều lý do khác nhau. Tùy thuộc vào thời điểm phát hiện thỏa thuận trọng tài vô hiệu sẽ mang lại những hậu quả pháp lý khác nhau cho các bên tranh chấp.

Thứ nhất, khi xem xét thụ lý đơn kiện nếu có cơ sở để khẳng định thỏa thuận trọng tài vô hiệu thì tổ chức trọng tài từ chối thụ lý vụ việc.

Thứ hai, trong quá trình Hội đồng trọng tài giải quyết tranh chấp mà phát hiện thỏa thuận trọng tài vô hiệu và các bên tranh chấp không đạt được thỏa thuận trọng tài mới có hiệu lực thì Hội đồng trọng tài phải ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc.

Thứ ba, khi Hội đồng trọng tài đã ra quyết định cuối cùng mà có một bên yêu cầu tòa án xem xét hủy phán quyết trọng tài, nếu tòa án phát hiện thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu thì tòa án ra quyết định hủy phán quyết trọng tài.

Từ những phân tích nêu trên, thỏa thuận trọng tài đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp của trọng tài phát sinh trên cơ sở thỏa thuận trọng tài. Tuy nhiên, thỏa thuận trọng tài chỉ thực sự có ý nghĩa khi nó có hiệu lực pháp luật. Hiệu lực trọng tài có vai trò quyết định trong việc thực hiện thỏa thuận trọng tài. Do đó, pháp luật trọng tài Việt Nam cũng như các nước đều quy định rõ về điều kiện có hiệu lực của thỏa thuận trọng tài. Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định thoả thuận trọng tài vô hiệu tronh các trường hợp sau:

“1. Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 của Luật này.

  1. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
  2. Người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự.
  3. Hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật này.
  4. Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu.
  5. Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.”

Như vậy, từ những khái quát trên có thể thấy các bên không thể yêu cầu Trọng tài giải quyết tranh chấp nếu giữa họ không có một thỏa thuận trọng tài. Ngay cả khi tồn tại một thỏa thuận trọng tài thì chưa chắc Trọng tài đã có thẩm quyền giải quyết nếu thỏa thuận trọng tài đó không có hiệu lực pháp lý.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần và Cộng sự. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.

Trân trọng!

Bài viết

Cẩm Tiên

CÔNG TY LUẬT TNHH NGUYỄN LÊ TRẦN VÀ CỘNG SỰ

Địa chỉ: 14-16 Tôn Đản, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: 0938343384 (Ls Binh) – 0938132982 (Ls Quyền) – 0977761893 (Ls Huy)

Email: nltlawfirm@gmail.com

Web: www.citylawyer.vn

Luật sư hàng đầu tại ILAW:

http://i-law.vn/luat-su/nguyen-duy-binh-301?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *