GÂY THƯƠNG TÍCH CHO NGƯỜI KHÁC MỨC ĐỘ NÀO THÌ CẤU THÀNH TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Gần đây, những hành vi gây thương tích cho người khác thường xuyên diễn ra, với những mâu thuẫn nhỏ, nó cũng có thể trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến phạm tội. Theo như mô tả của chuyên gia tội phạm thì hành động phạm tội là kết quả của sự tương tác giữa những yếu tố tiêu cực từ môi trường sống và những yếu tố tiêu cực trong nhân cách con người: “Khi yếu tố tiêu cực từ môi trường sống tác động với những yếu tố tiêu cực có sẵn ở trong con người thì nó bùng phát thành hành vi phạm tội…” Như vậy, có thể thấy nguyên nhân phạm tội thường là bao gồm cả chủ quan và khách quan. Phạm tội cũng xét theo cố ý hay vô ý mà có những khung phạt khác nhau. Sau đây, hãy cùng Công ty Luật Nguyễn Lê Trần và cộng sự tìm hiểu về những trường hợp cấu thành Tội cố ý gây thương tích cũng như hành vi gây tổn hại đến sức khỏe người khác nhưng chưa đủ yếu tố cấu thành Tội cố ý gây thương tích và mức xử phạt trong trường hợp đó:

  • Quy định của pháp luật về Tội cố ý gây thương tích BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017quy định như sau:

“Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

  1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp…, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

Theo đó, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác là hành vi cố ý gây ra thương tích hoặc tổn hại đến sức khoẻ của người khác. Hậu quả tổn thương về sức khoẻ (được thể hiện trong kết luận giám định của cơ quan chuyên môn) là căn cứ để xác định trách nhiệm hình sự và xác định khung hình phạt đối với người phạm tội. Nạn nhân phải bị thương tích hoặc bị tổn hại đến sức khoẻ ở trong mức theo luật định thì mới phải chịu trách nhiệm hình sự còn nếu thương tích hoặc tổn hại về sức khoẻ không thuộc mức quy định trong điều luật thì chưa đủ yếu tố để cấu thành tội và không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, theo quy định tại Khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 thì người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm o thì người đó mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự; còn nếu một đối tượng cố ý gây thương tích cho người khác làm giảm dưới 10% sức khoẻ nhưng không thuộc quy định tại các điểm từ a đến o khoản 1 Điều này thì hành vi của người đó không cấu thành tội phạm, không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

  • Nếu bạn hay người thân bị gây thương tích sức hoặc tổn hại đến sức khỏe mà tỷ lệ tổn thương cơ thể trên 11% có nằm trong quy định Khoản 1 Điều 134 BLHS sửa đổi, bổ sung 2017 thì bạn nên làm gì để đòi lại công lý cho bản thân hay người thân?

Như vậy, trước tiên, bạn có thể đối chiếu quy định Điều 134 BLHS ở trên để biết trường hợp của mình thuộc Khoản nào. Sau đó, thực hiện quyền tố giác tội phạm đến cơ quan công an cấp huyện về hành vi cố ý gây thương tích.

Như vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể tố giác hành vi phạm tội đó đến cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:

Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố

  1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
  2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. 
  3. Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm. 
  4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản. 
  5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.” 

Trong thời hạn hai mươi ngày, kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, Cơ quan công an trong phạm vi trách nhiệm của mình phải kiểm tra, xác minh nguồn tin và quyết định việc khởi tố hoặc quyết định không khởi tố vụ án hình sự. Trong trường hợp sự việc bị tố giác có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn để giải quyết tố giác có thể dài hơn, nhưng không quá hai tháng theo Điều 147 Bộ luật TTHS năm 2015. Nếu sau thời hạn hai tháng, Cơ quan công an không giải quyết trường hợp này của bạn hoặc giải quyết không thỏa đáng thì bạn có thể làm đơn khiếu nại gửi Thủ trưởng Cơ quan công an đó để yêu cầu giải quyết để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bạn.

  • Còn trong trường hợp tỷ lệ thương tích dưới 11% và không thuộc vào các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì có thể xử lý như thế nào?

Nếu tỷ lệ thương tích của bạn dưới 11% và không thuộc vào các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 134 đã nêu trên thì hậu quả của hành vi đối với người gây thương tích hay tổn hại đến sức khỏe của bạn có thể sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.

Điểm e Khoản 3 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm về trật tự công cộng như sau:

“3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

  1. e) Xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác;  

…”

  • Như vậy, nếu hành vi vi phạm không đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng.

Đồng thời, bạn có thể căn cứ theo Điều 590 Bộ luật dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do sức khỏe bị xâm hại như sau:

“1. Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm bao gồm:

  1. a) Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút của người bị thiệt hại;
  2. b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại; nếu thu nhập thực tế của người bị thiệt hại không ổn định và không thể xác định được thì áp dụng mức thu nhập trung bình của lao động cùng loại;
  3. c) Chi phí hợp lý và phần thu nhập thực tế bị mất của người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị; nếu người bị thiệt hại mất khả năng lao động và cần phải có người thường xuyên chăm sóc thì thiệt hại bao gồm cả chi phí hợp lý cho việc chăm sóc người bị thiệt hại;
  4. d) Thiệt hại khác do luật quy định.
  5. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp sức khỏe của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có sức khỏe bị xâm phạm không quá năm mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.”

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần và Cộng sự. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.

Trân trọng!

Bài viết

Tuyết Kha

CÔNG TY LUẬT TNHH NGUYỄN LÊ TRẦN VÀ CỘNG SỰ

Địa chỉ: 14-16 Tôn Đản, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: 0938343384 (Ls Binh) – 0938132982 (Ls Quyền) – 0977761893 (Ls Huy)

Email: nltlawfirm@gmail.com

Web: www.citylawyer.vn

Luật sư hàng đầu tại ILAW:

http://i-law.vn/luat-su/nguyen-duy-binh-301?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *