Thi hành án Dân sự là một dạng hoạt động tư pháp trong việc thực hiện bản án, quyết định Dân sự của Tòa án và các quyết định của các cơ quan, tổ chức khác được đưa ra thi hành theo quy định của pháp luật. Thông qua thi hành án Dân sự, người phải thi hành án phải thực hiện các nghĩa vụ về tài sản của họ và người được thi hành án Dân sự sẽ nhận được các quyền, lợi ích về tài sản mà họ được hưởng theo quy định.
Vậy. Nếu như không chấp hành thi hành án thì người phải thi hành án chịu trách nhiệm như thế nào? Hãy cùng Công ty Luật Nguyễn Lê Trần và Cộng sự tìm hiểu thông qua bài viết sau:
I. Tội không thi hành án.
Điều 45 Luật Thi hành án dân sự năm 2008 quy định:
“1. Thời gian tự nguyện thi hành án là 15 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.
2. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán tài sản, hủy hoại tài sản hoặc trốn tránh việc thi hành án thì chấp hành viên có quyền áp dụng ngay các biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này.”
*Các biện pháp bảo đảm thi hành án bao gồm:
- Phong tỏa tài khoản;
- Tạm giữ tài sản, giấy tờ;
- Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản.
*Các biện pháp cưỡng chế thi hành án gồm:
- Khấu trừ tiền trong tài khoản;
- Thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án;
- Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án;
- Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ;
- Khai thác tài sản của người phải thi hành án;
- Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ;
- Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.
Trường hợp đương sự không tự nguyện thi hành án, người được thi hành án có quyền yêu cầu chấp hành viên áp dụng các biện pháp bảo đảm thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án nêu trên. Trường hợp người phải thi hành án vẫn cố tình không chấp hành thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội không chấp hành án như sau:
“1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.”
Căn cứ quy định trên có thể hiểu là Tội không chấp hành án là hành vi cố ý không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Hành vi vi phạm có thể là:
+ Không giao nộp tài sản mà Tòa án ra quyết định tịch thu nộp vào Ngân sách Nhà nước.
+ Không thực hiện bồi thường theo quyết định của bản án đã có hiệu lực pháp luật.
+ Tẩu tán tài sản, bỏ trốn… nhằm không thực hiện bản án.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
c) Tẩu tán tài sản.
3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Như vậy, không chấp hành bản án là hành vi vi phạm pháp luật, tác động đến hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng, đồng thời xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức và người được thi hành án. Vì vậy, người không chấp hành án phải bị xử lý theo quy định pháp luật.
II. Mức xử phạt Hành chính:
Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án, mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với các hành vi:
- Không cung cấp thông tin;
- Không giao giấy tờ liên quan đến tài sản bị xử lý để thi hành án theo yêu cầu của người có thẩm quyền thi hành án mà không có lý do chính đáng;
- Không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, không chính xác tài sản, thu nhập, điều kiện thi hành án khi người có thẩm quyền thi hành án yêu cầu;
- Không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định;
- Trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi hành án;
- Tẩu tán tài sản để không thực hiện nghĩa vụ thi hành án hoặc để trốn tránh việc kê biên tài sản;
- Không thực hiện quyết định của người có thẩm quyền thi hành án về việc phong tỏa tài khoản, tài sản của người phải thi hành án;
Trên đây là tư vấn của Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần và Cộng sự. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.
Người viết bài: Kim Huệ.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGUYỄN LÊ TRẦN VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ: 14-16 Tôn Đản, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hotline: 0938 343 384 (Ls Binh).
Email: nltlawfirm@gmail.com
Web: citylawyer.vn
Luật sư hàng đầu tại ILAW: