Hiện nay dịch bệnh do virus nCoV gây ra vẫn đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc, tính đến thời điểm hiện tại (ngày 10/2/2020), tại Việt Nam đã có 14 người dương tính với vi rút Corona. Trước tình hình đó, cả nước đang chủ động tích cực để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCOv) gây ra theo Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 31/1/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Nếu trong trường hợp dịch bệnh trở nên nguy hiểm, các tổ chức, doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động, người lao động phải ngừng việc để phòng trách dịch bệnh nguy hiểm, vậy thì câu hỏi đặt ra là trong trường hợp này người lao động có được hưởng lương hay không?
- Trường hợp phải ngừng việc, người lao động vẫn được trả lương:
Căn cứ khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động năm 2012, cụ thể:
“Trường hợp phải ngừng việc, người lao động được trả lương như sau:
- Nếu do lỗi của người sử dụng lao động, thì người lao động được trả đủ tiền lương;
- Nếu do lỗi của người lao động thì người đó không được trả lương; những người lao động khác trong cùng đơn vị phải ngừng việc được trả lương theo mức do hai bên thoả thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định;
- Nếu vì sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác như thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh nguy hiểm, địch hoạ, di dời địa điểm hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc vì lý do kinh tế…”
Như vậy, căn cứ vào quy định tại khoản 3 của điều luật trên, trong trường hợp dịch bệnh nguy hiểm người lao động phải ngừng việc, thì người lao động vẫn được trả lương bình thường.
- Mức tiền lương được hưởng
Căn cứ vào Điều 98 BLLĐ 2012 và Khoản 1 Điều 26 Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015, thì mức tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc được quy định như sau:
– Nếu phải ngừng việc do lỗi của người sử dụng lao động thì người lao động được trả đủ tiền lương. Tiền lương làm căn cứ để trả cho người lao động trong thời gian ngừng việc là tiền lương ghi trong hợp đồng lao động khi người lao động phải ngừng việc và được tính tương ứng với các hình thức trả lương theo thời gian quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định 05/2015/NĐ-CP.
– Nếu phải ngừng việc do lỗi của người lao động hoặc sự cố về điện, nước mà không do lỗi của người sử dụng lao động, người lao động hoặc vì các nguyên nhân khách quan khác hoặc vì lý do kinh tế thì người lao động được trả lương theo mức lương do hai bên thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Do đó, từ quy định trên thì khi có dịch bệnh nguy hiểm dẫn đến người lao động phải ngừng việc thì mức lương người lao động được hưởng trong thời gian đó sẽ do hai bênh thỏa thuận nhưng không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng do Chính phủ quy định.
Lưu ý:
Nếu trong trường hợp dịch bệnh nguy hiểm phải ngừng việc, thì người sử dụng lao động bắt buộc phải thỏa thuận với người lao động và phải được họ đồng ý về mức tiền lương được hưởng trong thời gian ngừng việc để tránh những tranh chấp bất lợi sau này.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần và Cộng sự. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.
Trân trọng!
Bài viết
Nguyễn Sương
CÔNG TY LUẬT TNHH NGUYỄN LÊ TRẦN VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ: 14-16 Tôn Đản, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0938343384 (Ls Binh) – 0938132982 (Ls Quyền) – 0977761893 (Ls Huy)
Email: nltlawfirm@gmail.com
Web: www.citylawyer.vn
Luật sư hàng đầu tại ILAW: