NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHẢI TỪ CHỐI HOẶC THAY ĐỔI NGƯỜI TIẾN HÀNH TỐ TỤNG?

Để giải quyết công bằng và đúng đắn các vụ việc Dân sự thì sự vô tư của người tiến hành tố tụng trong việc thực hiện quyền và nhiệm vụ là vô cùng quan trọng. Và để đảm bảo tính khách quan và công minh trong quá trình giải quyết thì pháp luật Dân sự quy định những người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp có thể dẫn đến sự không vô tư của họ trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn.
 Vậy những trường hợp nào phải từ chối hoặc thay đổi người tiến hành tố tụng theo pháp luật Dân sự?
Theo quy định tại Điều 52 Bộ luật tố tụng Dân sự năm 2015 thì:
“Người tiến hành tố tụng phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi trong những trường hợp sau đây:
1. Họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự.
2. Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch trong cùng vụ việc đó.
3. Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.”
Ngoài những căn cứ chung trên, dựa vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vị trí tham gia tố tụng của từng người tham gia tố tụng mà pháp luật còn có thêm những quy định về việc thay đổi người tiến hành tố tụng đối với từng vị trí cụ thể.
🍀🍀Thứ nhất, thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân:
Ngoài những căn cứ chung trên, việc thay đổi thẩm phán, hội thẩm nhân dân còn được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau:
(i) Họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau; trong trường hợp này, chỉ có một người được tiến hành tố tụng.
(ii) Họ đã tham gia giải quyết theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm vụ việc dân sự đó và đã ra bản án sơ thẩm, bản án, quyết định phúc thẩm, quyết định giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, quyết định giải quyết việc dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ việc, quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự, trừ trường hợp là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao thì vẫn được tham gia giải quyết vụ việc đó theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
(iii) Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
🍀🍀Thứ hai, thay đổi Thư ký tòa án, Thẩm tra viên:
Ngoài những căn cứ chung trên, việc thay đổi Thư ký Tòa án, Thẩm tra viên còn được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau:
(i) Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
(ii) Là người thân thích với một trong những người tiến hành tố tụng khác trong vụ việc đó.

🍀🍀Thứ ba, thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên:
Ngoài những căn cứ chung trên, việc thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên còn được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau:
(i) Họ đã là người tiến hành tố tụng trong vụ việc đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.
Và pháp luật Dân sự quy định như thế nào về đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch?
Đươngsự trong vụ việc dân sự bao gồm: đương sự trong vụ án dân sự và đương sự trong việc dân sự.
+ Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
+ Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Người đại diện: Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự.
Người thân thích của đương sự: (theo quy định tại Điều 13 NQ 03/2012/NQ-HĐTP)
Người thân thích của đương sự là người có quan hệ sau đây với đương sự:
a) Là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của đương sự;
b) Là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của đương sự;
c) Là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của đương sự;
d) Là cháu ruột của đương sự, mà đương sự là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự: (Điều 75 BLTTDs 2015)
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự là người tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
+ Những người sau đây được làm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự khi có yêu cầu của đương sự và được Tòa án làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:
a) Luật sư tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về luật sư;
b) Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý;
c) Đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong vụ việc lao động theo quy định của pháp luật về lao động, công đoàn;
d) Công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không có án tích hoặc đã được xóa án tích, không thuộc trường hợp đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không phải là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Viện kiểm sát và công chức, sĩ quan, hạ sĩ quan trong ngành Công an.
Người làm chứng: (Điều 77 BLTTDS 2015)
Người biết các tình tiết có liên quan đến nội dung vụ việc được đương sự đề nghị, Tòa án triệu tập tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng. Người mất năng lực hành vi dân sự không thể là người làm chứng.
Người giám định: (Điều 79 BLTTDS 2015)
Người giám định là người có kiến thức, kinh nghiệm cần thiết theo quy định của pháp luật về lĩnh vực có đối tượng cần giám định mà Tòa án trưng cầu giám định hoặc được đương sự yêu cầu giám định theo quy định tại Điều 102 của Bộ luật này.
Người phiên dịch: (Điều BLTTDS 2015)
+ Người phiên dịch là người có khả năng dịch từ một ngôn ngữ khác ra tiếng Việt và ngược lại trong trường hợp có người tham gia tố tụng không sử dụng được tiếng Việt. Người phiên dịch được một bên đương sự lựa chọn hoặc các bên đương sự thỏa thuận lựa chọn và được Tòa án chấp nhận hoặc được Tòa án yêu cầu để phiên dịch.
+ Người biết chữ của người khuyết tật nhìn hoặc biết nghe, nói bằng ngôn ngữ, ký hiệu của người khuyết tật nghe, nói cũng được coi là người phiên dịch.
Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ: (Khoản 3 Điều 13 NQ 03/2012/NQ-HĐTP)
+ Như trong quan hệ tình cảm, quan hệ thông gia, quan hệ công tác, quan hệ kinh tế,… có căn cứ rõ ràng để có thể khẳng định là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Thư ký Tòa án không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.
Ví dụ: Hội thẩm nhân dân là anh em kết nghĩa của nguyên đơn; Thẩm phán là con rể của bị đơn; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Thủ trưởng cơ quan nơi vợ của Thẩm phán làm việc,… mà có căn cứ rõ ràng chứng minh là trong cuộc sống giữa họ có mối quan hệ tình cảm thân thiết với nhau, có mối quan hệ về kinh tế,…
+ Cũng được coi là có căn cứ rõ ràng để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ nếu trong cùng một phiên toà xét xử vụ án dân sự Kiểm sát viên, Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân và Thư ký Tòa án là người thân thích với nhau hoặc nếu Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên được phân công xét xử phúc thẩm vụ án dân sự có người thân thích là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án đó.

Bài viết
Nguyễn Thị Ngọc Giàu

#thaydoinguoitienhanhtotung
#tuchoi
#nguoitienhanhtotung
————————————————
CÔNG TY LUẬT ️TNHH NGUYỄN LÊ TRẦN VÀ CỘNG SỰ ️
Địa chỉ: 14-16 Tôn Đản, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.
Hotline: 0938.343.384 (Ls. Binh) – 0938.132.982 (Ls.Quyền) – 0977.761.893 (Ls.Huy)
Email: nltlawfirm@gmail.com
Web: www.citylawyer.vn

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *