Theo quy định của Luật doanh nghiệp, Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.
Hầu hết, các cá nhân/tổ chức góp vốn bằng tiền mặt, ngoài việc góp vốn được thực hiện bằng tiền, cá nhân/tổ chức có được góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp hay không? Điều kiện, thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất được thực hiện như thế nào?
Bài viết dưới đây Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần và Cộng sự xin tư vấn đến bạn về Hình thức góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp:
1/ Định nghĩa góp vốn
Khoản 13 Điều 3 Luật doanh nghiệp 2014 qui định: Góp vốn là việc góp tài sản để tạo thành vốn điều lệ của công ty. Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.
Góp vốn bao gồm góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp thêm vốn điều lệ của doanh nghiệp đã được thành lập.
Khoản 1 Điều 35 Luật doanh nghiệp 2014 :Tài sản góp vốn có thể là đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất.
2/ Góp vốn bằng quyền sử dụng đất:
Điểm a, Khoản 1, Điều 36 Luật doanh nghiệp 2014 qui định về việc chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn:
+ Đối với tài sản có đăng ký quyền sở hữu hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
+ Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;
Tuy nhiên, quyền sử dụng đất để góp vốn phải đảm bảo được những điều kiện nhất định.
3/ Điều kiện góp vốn quyền sử dụng đất
* Khoản 1 Điều 188 Luật đất đai 2013, quy định điều kiện để thực hiện quyền của người sử dụng đất trong đó có quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất:
Người sử dụng đất được thực hiện các quyền góp vốn bằng quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:
– Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 của Luật này;
– Đất không có tranh chấp;
– Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
– Trong thời hạn sử dụng đất.
* Điều 193 Luật Đất đai 2013, Điều kiện nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp:
– Có văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất nông nghiệp để thực hiện dự án;
– Mục đích sử dụng đối với diện tích đất nhận chuyển nhượng, nhận góp vốn, thuê quyền sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
– Đối với đất chuyên trồng lúa nước thì phải thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 134 của Luật Đất đai.
(Khoản 3, điều 134, luật Đất đai 2013 quy định: “3. Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp một khoản tiền để Nhà nước bổ sung diện tích đất chuyên trồng lúa nước bị mất hoặc tăng hiệu quả sử dụng đất trồng lúa theo quy định của Chính phủ.”)
4/ Trình tự, thủ tục góp vốn bằng quyền sử dụng đất:
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ:
Khoản 3 Điều 9 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT:
Người thực hiện việc góp vốn chuẩn bị 01 bộ hồ sơ và nộp tại văn phòng đăng ký đất đai gồm:
+ Đơn đăng kí biến động đất đai
+ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bản gốc)
+ Hợp đồng góp vốn quyền sử dụng đất
+ Văn bản chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng ý việc góp vốn (nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 193 Luật Đất đai 2103)
+ Trích lục bản đồ địa chính
+ Văn bản ủy quyền công chứng chứng thực (nếu có)
Bước 2: Thẩm định hồ sơ:
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định; xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Bước 3: Trả kết quả
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm trả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người chủ sử dụng đất.
Thời gian giải quyết: 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Như vậy, các cá nhân/tổ chức vẫn được góp vốn bằng quyền sử dụng đất để đầu tư vào doanh nghiệp nhưng phải tuân thủ đầy đủ theo các điều kiện và thủ tục mà pháp luật qui định.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp. Mọi thắc mắc cần được tư vấn, quý khách hàng vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.
Trân trọng!
Bài viết
Huyền Châu
#gopvon
#quyensudungdat
#gopvonbangquyensudungdat
#nguyenletranpartner
CÔNG TY LUẬT TNHH NGUYỄN LÊ TRẦN VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ: 14-16 Tôn Đản, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0938343384 (Ls Binh) – 0938132982 (Ls Quyền) – 0977761893 (Ls Huy)
Email: nltlawfirm@gmail.com
Web: www.citylawyer.vn