Hiện nay, Trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp đang được nhiều nhiều người lựa chọn. Phương thức giải quyết tranh chấp này dựa trên sự thỏa thuận của các bên và thỏa thuận trọng tài là điều kiện tiên quyết để thực hiện phương thức giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại. Theo đó, để một thỏa thuận trọng tài có hiệu lực thì thẩm quyền ký kết điều khoản thảo thuận trọng tài là vô cùng quan trọng. Trong một số trường hợp, người đại diện theo ủy quyền được phép ký kết hợp đồng kinh doanh thương mại không đồng thời được ủy quyền ký kết điêu khoản thỏa thuận trọng tài thì thỏa thuận trọng tài đó vô hiệu.
Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010, được hiểu là người xác lập thỏa thuận khi không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc là người ủy quyền hợp pháp hoặc là người ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi ủy quyền. Theo đó, tranh chấp phát sinh giữa các cá nhân với nhau thì các cá nhân đó chính là người có thẩm quyền ký kết thỏa thuận trọng tài. Các cá nhân này có thể là người đại diện theo pháp luật được quy định tại Điều 13 Luật Doanh nghiệp 2014 hoặc là người đại diện theo ủy quyền cho người khác ký kết thỏa thuận trọng tài. Việc ủy quyền sẽ tuân theo quy định của BLDS về đại diện theo ủy quyền. Theo đó, người đại diện theo ủy quyền sẽ có thẩm quyền ký kết thỏa thuận trọng tài theo văn bản ủy quyền với người được đại diện. Vấn đề sẽ trở nên phức tạp hơn khi tranh chấp phát sinh giữa pháp nhân với pháp nhân. Trong trường hợp này người có thẩm quyền ký kết thỏa thuận trọng tài là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo ủy quyền của pháp nhân. Bởi khoản 3 Điều 86 BLDS 2005 đã quy định “người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền của pháp nhân danh pháp nhân trong quan hệ dân sự”, khoản 4 Điều 137 BLDS 2005 quy định người đại diện pháp luật của pháp nhân là “người đứng đầu pháp nhân theo quy định của điều lệ pháp nhân hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Đại diện theo ủy quyền, khoản 1 Điều 143 BLDS 2005 quy định “cá nhân, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân có thể ủy quyền cho người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Đại diện theo pháp luật của pháp nhân được quy định rõ trong Luật Doanh nghiệp 2014, tùy thuộc vào từng loại hình doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động, không phải lúc nào hợp đồng hay thỏa thuận trọng tài cũng do người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ký kết mà được ủy quyền cho người khác ký kết. Chính vì thế, không thể tránh khỏi việc nảy sinh các vấn đề trong trường hợp người ký kết không được ủy quyền hoặc người ủy quyền không thực hiện đúng theo phạm vi ủy quyền hoặc việc ủy quyền không tuân thủ đúng quy định của pháp luật.
Luật Trọng tài thương mại 2010 vẫn giữ căn cứ làm cho thỏa thuận trọng tài vô hiệu như trong Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003. Khoản 2 Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định thỏa thuận trọng tài vô hiệu khi “người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định pháp luật”. Như vậy giống như pháp lệnh, luật không hề đề cập đến hậu quả pháp lý của việc không có thẩm quyền ký kết thỏa thuận trọng tài. Vì vậy, vấn đề này sẽ áp dụng quy định tại Điều 145, Điều 146 Bộ Luật dân sự 2005 về hậu quả của giao dịch dân sự do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện và hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện.
Về nguyên tắc thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập thì thỏa thuận trọng tài đó bị vô hiệu. Tuy nhiên, theo Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại thì thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập vẫn có thể có hiệu lực trong trường hợp thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập nhưng trong quá trình xác lập, thực hiện thỏa thuận trọng tài hoặc trong tố tụng trọng tài mà người có thẩm quyền xác lập thỏa thuận trọng tài đã chấp nhận hoặc đã biết mà không phản đối thì thỏa thuận trọng tài không vô hiệu.
Một trong những vấn đề ảnh hưởng đến hiệu lực của thỏa thuận trong tài đó là thẩm quyền ký kết thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài chỉ có hiệu lực pháp lý ràng buộc các bên khi người ký kết thỏa thuận trọng tài có thẩm quyền ký kết. Người ký thỏa thuận trọng tài phải là người có quyền quyết định phương thức giải quyết tranh chấp hoặc là người được ủy quyền. Thỏa thuận trọng tài sẽ không còn ý nghĩa nếu như thỏa thuận đó được ký kết bởi người không có thẩm quyền, không thể hiện được ý chí của các bên. Theo khoản 2 Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định thỏa thuận trọng tài vô hiệu khi “người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền ký kết theo quy định của pháp luật”.
Trong thực tế đã có nhiều quyết định trọng tài bị tòa án hủy do người ký kết thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền vì không được ủy quyền. Trong quyết định số 2611/2009/QĐST-KDTM ngày 10/9/2009 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, tòa án đã tuyên hủy Quyết định trọng tài xét xử vụ tranh chấp giữa nguyên đơn là Công ty xuất nhập khẩu Shanghai Zhong Jing và bị đơn là Công ty cho thuê tài chính ngân hàng II- ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (chi nhánh Nam Sài Gòn). Ngày 05/10/2015 ông Nguyễn Văn Thu – Phó giám đốc đại diện cho Công ty thuê tài chính II- Nam Sài Gòn ký hợp đồng bán hàng số SHZJ/CTP-0501 với Công ty xuất nhập khẩu Shanghai Zhong Jing và Công ty TNHH thương mại sản xuất in bao bì nhựa Cường Thịnh Pháp. Tại Điều 9 Hợp đồng có điều khoản thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận này do ông Nguyễn Văn Thu ký, nhưng ông Thu không có một văn bản nào được công ty cho thuê tài chính ngân hàng II- Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (chi nhánh Nam Sài Gòn) cho phép ông Thu ký thỏa thuận này. Mặt khác, trên thực tế ông Nguyễn Văn Thu cũng không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty cho thuê tài chính ngân hàng II – ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (chi nhánh Nam Sài Gòn). Vì thế ông Thu ký thỏa thuận hợp đồng là không đúng thẩm quyền. Tại phiên tòa ông Phạm Nhật Kiều là đại diện ủy quyện của công ty cho thuê tài chính ngân hàng II – Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (chi nhánh Nam Sài Gòn) không thừa nhận việc ủy quyền cho ông Nguyễn Văn Thu thỏa thuận chọn trọng tài xét xử khi có tranh chấp xảy ra. Vì vậy thỏa thuận trọng tài vô hiệu theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010.
Đối với trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu do không có thẩm quyền ký kết này Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 3 năm 2014 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại có hướng dẫn “Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật” quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật TTTM là người xác lập thỏa thuận trọng tài khi không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc không phải là người được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi được ủy quyền.
Về nguyên tắc thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập thì thỏa thuận trọng tài đó vô hiệu. Trường hợp thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập nhưng trong quá trình xác lập, thực hiện thỏa thuận trọng tài hoặc trong tố tụng trọng tài mà người có thẩm quyền xác lập thỏa thuận trọng tài đã chấp nhận hoặc đã biết mà không phản đối thì thỏa thuận trọng tài không vô hiệu.
Như vậy, pháp luật đã không áp dụng khoản 2 Điều 18 Luật Trọng tài thương mại 2010 một cách cứng nhắc. Sự linh hoạt của pháp luật giúp các thỏa thuận trọng tài không bị vô hiệu trong một số trường hợp, nhưng chính sự linh hoạt này đã tạo nên những bất cập trong thực tiễn. Trường hợp một bên tranh chấp yêu cầu tòa án hủy quyết định trọng tài với lý do người ký hợp đồng không có thẩm quyền diễn ra khá nhiều trên thực tế, tuy nhiên không phải trường hợp không có thẩm quyền ký kết nào cũng dẫn tới việc hủy quyết định trọng tài.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần và Cộng sự. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.
Trân trọng!
Bài viết
Cẩm Tiên
CÔNG TY LUẬT TNHH NGUYỄN LÊ TRẦN VÀ CỘNG SỰ
Địa chỉ: 14-16 Tôn Đản, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh
Hotline: 0938343384 (Ls Binh) – 0938132982 (Ls Quyền) – 0977761893 (Ls Huy)
Email: nltlawfirm@gmail.com
Luật sư hàng đầu tại ILAW: