Những trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự.

Có những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội, do chủ thể có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện nhưng được loại trừ trách nhiệm hình sự. Vậy đó là những trường hợp nào?
Công ty Luật Nguyễn Lê Trần và Cộng sự cung cấp những trường hợp được loại trừ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật như sau:

Theo như quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 thì tất cả có 07 trường hợp sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự:

1/ Sự kiện bất ngờ (Điều 20 Bộ luật Hình sự 2015).

Điều 20. Sự kiện bất ngờ.

Người thực hiện hành vi gây hậu quả nguy hại cho xã hội trong trường hợp không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo quy định này, thì bản chất của sự kiện bất ngờ là trường hợp người thực hiện hành vi không có lỗi, không có sự lựa chọn khi thực hiện hành vi gây thiệt hại, cũng như không thể thấy trước được hậu quả do hoàn cảnh khách quan. Đây chính là điểm để phân biệt với các trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự khác được BLHS quy định như sự kiện bất khả kháng.

2/ Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự ( Điều 21 Bộ luật Hình sự 2015).

Điều 21. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự.

Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Một người được coi là không có năng lực trách nhiệm hình sự khi:

– Đang mắc bệnh tâm thần.

– Đang mắc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.

Để xác định việc mất khả năng nhận thức hành vi hoặc mất khả năng điều khiển hành vi nguy hiểm cho xã hội phải có kết luận giám định.

3/ Phòng vệ chính đáng (Điều 22 Bộ luật Hình sự 2015).

Điều 22. Phòng vệ chính đáng.

1. Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên.

Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

2. Vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại.

Người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật này.

Chống trả một cách cần thiết là khi gặp hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên, chúng ta chỉ thực hiện hành vi chống trả để ngăn cản, phòng ngừa, ở mức độ phù hợp với tính chất, độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm phạm.

4/ Tình thế cấp thiết (Điều 23 Bộ luật Hình sự 2015).

Điều 23. Tình thế cấp thiết

1 Tình thế cấp thiết là tình thế của người vì muốn tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà không còn cách nào khác là phải gây một thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Hành vi gây thiệt hại trong tình thế cấp thiết không phải là tội phạm.

2. Trong trường hợp thiệt hại gây ra rõ ràng vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết, thì người gây thiệt hại đó phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo đó, để được xem là tình thế cấp thiết cần phải có đầy đủ ba dấu hiệu:

  • Một là, phải có sự đe dọa hiện hữu và thực tế xâm phạm đối với lợi ích được pháp luật bảo vệ;
  • Hai là, hành vi gây thiệt hại là biện pháp duy nhất để khắc phục sự nguy hiểm;
  • Ba là, thiệt hại trong tình thế cấp thiết gây ra phải nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa.

Tương tự phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết xác định ba dấu hiệu để nhận biết trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết theo khoản 2 điều luật này thì sẽ chịu trách nhiệm hình sự, cũng như được xem xét là tình tiết giảm nhẹ theo Điều 51 BLHS.

5/ Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội (Điều 24 Bộ luật Hình sự 2015).

Điều 24. Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội.

1. Hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội mà không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải là tội phạm.

2. Trường hợp gây thiệt hại do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự.

Theo điều luật, gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội để được coi là một trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự, phải thỏa mãn ba dấu hiệu:

  • Một là, hành vi bắt giữ phải thuộc về các chủ thể có thẩm quyền bắt giữ người phạm tội;
  • Hai là, hành vi dùng vũ lực gây thiệt hại cho người bị bắt giữ phải là biện pháp cuối cùng, không còn cách nào khác để bắt giữ người phạm tội;
  • Ba là, hành vi dùng vũ lực gây thiệt hại cho người bị bắt giữ phải là cần thiết.

Tại khoản 2 quy định tình trạng vượt quá mức cần thiết thì người gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, trong khi bắt giữ người phạm tội, vì hành vi cũng như thủ đoạn của người phạm tội vượt quá khả năng bắt giữ của người thực hiện nhiệm vụ, không còn cách nào khác buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết gây thiệt hại cho người bị bắt giữ thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

6/ Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ (Điều 25 Bộ luật Hình sự 2015).

Điều 25. Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ.

Hành vi gây ra thiệt hại trong khi thực hiện việc nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới mặc dù đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa thì không phải là tội phạm.

Người nào không áp dụng đúng quy trình, quy phạm, không áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà gây thiệt hại thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Các điều kiện để được loại trừ trách nhiệm hình sự theo Điều 25 này gồm có ba điều kiện:

  • Một là, hành vi gây thiệt hại trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ phải nhằm mục đích đem lại lợi ích cho xã hội;
  • Hai là, lĩnh vực của hành vi gây thiệt hại chỉ giới hạn trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ;
  • Ba là, người gây ra thiệt hại đã tuân thủ đúng quy trình, quy phạm, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa.

Nhiều lúc, khi thực hiện nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới sẽ không tránh khỏi rủi ro không mong muốn. Tuy nhiên, một người chỉ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu rủi ro xảy ra dù đã tuân thủ đúng quy trình, kỹ thuật, áp dụng đầy đủ biện pháp phòng ngừa mà công việc yêu cầu.

7/ Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên (Điều 26 Bộ luật Hình sự 2015).

Điều 26. Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên

Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh nếu đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp này người ra mệnh lệnh phải chịu trách nhiệm hình sự.

Quy định này không áp dụng đối với các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2 Điều 422 và khoản 2 Điều 423 của Bộ luật này.”

Gồm có bốn điều kiện sau:

  • Một là, mệnh lệnh mà người có hành vi gây thiệt hại thi hành phải là mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên thuộc lực lượng vũ trang nhân dân;
  • Hai là, mục đích của việc thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc cấp trên thuộc lực lượng vũ trang phải nhằm mục đích thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh;
  • Ba là, người có hành vi gây thiệt hại đã thực hiện đầy đủ quy trình báo cáo người ra mệnh lệnh nhưng người ra mệnh lệnh vẫn yêu cầu chấp hành mệnh lệnh đó;
  • Bốn là việc thi hành mệnh lệnh này không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 421, khoản 2 Điều 422, khoản 2 Điều 423 BLHS. Có một điểm khác biệt ở trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự ở đây, là người thực hiện hành vi gây thiệt hại này sẽ không phải chịu trách nhiệm hình sự, tuy nhiên, đối với người ra mệnh lệnh nói trên mới phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Trên đây là tư vấn của Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần và Cộng sự. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.

Người viết bài: Kim Huệ

CÔNG TY LUẬT TNHH NGUYỄN LÊ TRẦN VÀ CỘNG SỰ

Địa chỉ: 14-16 Tôn Đản, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: 0938343384 (Ls Binh)

Email: nltlawfirm@gmail.com

Web: www.citylawyer.vn

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *