TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT CỦA HỘ GIA ĐÌNH

Hỏi: ông bà nội em có 3 người con gồm có 2 bác và bố em. Hai bác của em đã lập gia đình và tách hộ khẩu riêng. Bố em sống chung với ông bà nội cho đến nay lấy vợ và sinh được 02 người con. Giờ ông nội em mất đột ngột, không để lại di chúc. Sau khi ông nội mất thì hai bác về đòi chia tài sản của ông nội là nhà đất mà ông bà nội và gia đình em đang sinh sống, Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cấp cho hộ ông (tên ông nội em). Luật sư cho em hỏi là trong trường hợp này hai bác của em đòi chia tài sản này thì có được không ạ, vì hai bác đã tách sổ hộ khẩu từ lâu?

Đối với trường hợp của bạn Luật sư xin được tư vấn như sau:

Tại khoản 29 Điều 3 Luật Đất Đai 2013 quy định như sau:

“Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.”

Như vậy, nếu thiếu một trong ba yếu tố sau đây thì không được xem là thành viên “hộ gia đình sử dụng đất”: (1) Những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; (2) đang sống chung; (3) có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Do đó, cần phải căn cứ vào sổ hộ khẩu tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác định các thành viên có quyền sử dụng mảnh đất đó hay là không. Bạn cần phải tìm hiểu sổ hộ khẩu của gia đình tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tên những thành viên nào.  Quyền sử dụng mảnh đất trên sẽ thuộc sở hữu của những người có tên trong sổ hộ khẩu tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. 

Và Điều 212 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định:

Điều 212. Sở hữu chung của các thành viên gia đình

1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.

2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Trường hợp không có thỏa thuận thì áp dụng quy định về sở hữu chung theo phần được quy định tại Bộ luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp quy định tại Điều 213 của Bộ luật này.”

Do mảnh đất trên là đất thuộc hộ gia đình nên việc sử dụng mảnh đất được thực hiện do sự thỏa thuận của các thành viên trong hộ. Nếu không thỏa thuận được thì một người sẽ được một phần bằng nhau.

Ông bạn mất không để lại di chúc nên phần đất của ông trong mảnh đất trên sẽ được chia thừa kế theo pháp luật.

Điều 650, 651 BLDS 2015 quy định về Thừa kế theo pháp luật như sau:

Điều 650. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật

1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong trường hợp sau đây:

a) Không có di chúc;

b) Di chúc không hợp pháp;

c) Những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế;

d) Những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

2. Thừa kế theo pháp luật cũng được áp dụng đối với các phần di sản sau đây:

a) Phần di sản không được định đoạt trong di chúc;

b) Phần di sản có liên quan đến phần của di chúc không có hiệu lực pháp luật;

c) Phần di sản có liên quan đến người được thừa kế theo di chúc nhưng họ không có quyền hưởng di sản, từ chối nhận di sản, chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; liên quan đến cơ quan, tổ chức được hưởng di sản theo di chúc, nhưng không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

Ông bạn mất không để lại di chúc nên phần tài sản của ông trong mảnh đất trên sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: bà nội, 2 bác và bố của bạn. Mỗi người sẽ nhận được một phần bằng nhau trong phần đất của ông bạn.

Do đó, dù có tên trong sổ hộ khẩu hay không thì hai bác của bạn vẫn có quyền đòi chia tài sản là mảnh đất nói trên, chỉ là được bao nhiêu phần trong đó.

Trên đây là tư vấn của Luật sư thuộc Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần và Cộng sự. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.

CÔNG TY LUẬT TNHH NGUYỄN LÊ TRẦN VÀ CỘNG SỰ

Địa chỉ: 14-16 Tôn Đản, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh.

Hotline: 0938343384 (Ls Binh) – 0938132982 (Ls Quyền) – 0977761893 (Ls Huy)

Email: nltlawfirm@gmail.com

Web: citylawyer.vn

Luật sư hàng đầu tại ILAW:

http://i-law.vn/luat-su/nguyen-duy-binh-301?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *