TRÌNH TỰ MỞ THỦ TỤC PHÁ SẢN DOANH NGHIỆP.

       Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Trong quá trình hoạt động kinh doanh, một số Doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán dẫn đến nguy cơ phá sản cao.  Và để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức có liên quan thì người có quyền có thể nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản đối với Doanh nghiệp đó. Vậy thì điều kiện và trình tự mở thủ tục phá sản diễn ra như thế nào?. Công ty Luật Nguyễn Lê Trần và Cộng sự xin tư vấn như sau:

Điều kiện để công nhận Doanh nghiệp phá sản:

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Luật phá sản năm 2014 thì: “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.”

Như vậy, một Doanh nghiệp bị coi là phá sản thì phải đáp ứng đủ hai điều kiện:

  • Mất khả năng thanh toán;
  • Có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án nhân dân.

Trong đó, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Quy trình mở thủ tục phá sản Doanh nghiệp:

Thủ tục phá sản được quy định trong Luật phá sản năm 2014 bao gồm 6 bước:

Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Tùy thuộc vào chủ thể yêu cầu mở thủ tục phá sản mà nội dung đơn yêu cầu được quy định khác nhau:

  • Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của chủ nợ (Điều 26 Luật phá sản 2014).
  • Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của người lao động, đại diện công đoàn (Điều 27 Luật phá sản 2014).
  • Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán (Điều 28 Luật phá sản 2014).
  • Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của cổ đông hoặc nhóm cổ đông công ty cổ phần (Điều 29 Luật phá sản 2014).

Bước 2: Xác định Tòa án nhận đơn.

– Tòa án nhân dân cấp tỉnh: có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp đăng ký kinh doanh hoặc đăng ký doanh nghiệp tại tỉnh đó và thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Vụ việc phá sản có tài sản ở nước ngoài hoặc người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài;
  • Có chi nhánh, văn phòng đại diện ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
  • Có bất động sản ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh khác nhau;
  • Vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh lấy lên để giải quyết do tính chất phức tạp của vụ việc.

– Tòa án nhân dân cấp huyện: có thẩm quyền giải quyết phá sản đối với doanh nghiệp có trụ sở chính tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đó và không thuộc trường hợp quy định các vụ việc phá sản thuộc thẩm quyền của cấp tỉnh.

Bước 3: Tòa án nhận đơn và thụ lý.

– Nhận đơn:

Sau khi nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản Tòa án xem xét đơn:

  • Nếu đơn hợp lệ sẽ thông báo việc nộp lệ phí và tạm ứng phí phá sản.
  • Nếu đơn chưa hợp lệ thì yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn.
  • Chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân khác;
  • Nếu người nộp đơn không có quyền nộp đơn, hoặc từ chối sửa đơn… thì Tòa án trả lại đơn.

– Thụ lý đơn:

  • Khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản. Trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản thì thời điểm thụ lý được tính từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ.
  • Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn, Tòa án nhân dân phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, các chủ nợ, các cơ quan, tổ chức đang giải quyết vụ việc liên quan đến doanh nghiệp được biết.

Bước 4: Mở thủ tục phá sản.

– Thủ tục rút gọn:

  • Nếu thuộc trường hợp phá sản theo thủ tục rút gọn thì không cần mở thủ tục phá sản theo Điều 105 (trường hợp không có khả năng nộp lệ phí, tạm ứng chi phí phá sản, chi phí phá sản).

– Thủ tục thông thường:

  • Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.
  • Trong trường hợp cần thiết, trước khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có thể triệu tập phiên họp để xem xét, kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp, mất khả năng thanh toán.
  • Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
  • Thẩm phán ra quyết định không mở thủ tục phá sản nếu xét thấy doanh nghiệp không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán (khoản 5 Điều 42).
  • Được trả lại tiền tạm ứng chi phí phá sản;
  • Yêu cầu doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thực hiện nghĩa vụ về tài sản đã bị tạm đình chỉ theo quy định tại Điều 41 của Luật này được tiếp tục giải quyết.

 

  • Trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, có thể yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo toàn tài sản như tuyên bố giao dịch vô hiệu; tạm đình chỉ thực hiện hợp đồng (Điều 60, Điều 61)…
  • Có thể đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở trong vòng 7 ngày kể từ khi nhận được quyết định (Điều 44). Sau thời hạn đề nghị xem xét Tổ Thẩm phán có quyền ra một trong các quyết định sau:
  • Giữ nguyên quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản;
  • Hủy quyết định không mở thủ tục phá sản và giao cho Tòa án nhân dân đã ra quyết định không mở thủ tục phá sản xem xét ra quyết định mở thủ tục phá sản;
  • Hủy quyết định mở thủ tục phá sản và thông báo cho Tòa án nhân dân đã ra quyết định mở thủ tục phá sản và những người tham gia thủ tục phá sản.

 

Bước 5: Hội nghị chủ nợ.

Triệu tập Hội nghị chủ nợ:

– Hội nghị chủ nợ lần thứ nhất:

  • Hội nghị chủ nợ được coi là tiến hành hợp lệ nếu có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm (Điều 79). Nếu không đáp ứng sẽ bị hoãn và phải mở hội nghị lần 02 (Điều 80).

– Hội nghị chủ nợ lần thứ hai:

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hoãn Hội nghị chủ nợ, Thẩm phán phải triệu tập lại Hội nghị chủ nợ.

Trường hợp được triệu tập hợp lệ lần 2 vẫn không đáp ứng được điều kiện có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm thì Thẩm phán lập biên bản và quyết định tuyên bố phá sản.

– Hội nghị chủ nợ có quyền đưa ra Nghị quyết trong đó có một trong các kết luận sau (Điều 83):

  • Đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản nếu Doanh nghiệp không mất khả năng thanh toán kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản đến trước ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản (khoản 1 Điều 86).
  • Có quyền đề nghị xem xét lại, kiến nghị về quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản trong thời hạn 15 ngày (khoản 2 Điều 86).
  • Sau khi xem xét, giải quyết kiến nghị, đề nghị xem xét lại quyết định đình chỉ tiến hành thủ tục phá sản và đưa ra một các quyết định: giữ nguyên quyết định đình chỉ hoặc hủy quyết định đình chỉ và giao cho Thẩm phán tiến hành giải quyết phá sản.
  • Đề nghị áp dụng biện pháp phục hồi hoạt động kinh doanh;
  • Doanh nghiệp mất khả năng thanh toán phải xây dựng phương án phục hồi kinh doanh (Điều 87).
  • Sau khi nhận được phương án phục hồi hoạt động kinh doanh, Thẩm phán xem xét và đưa phương án ra Hội nghị chủ nợ xem xét thông qua.
  • Thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ. Trường hợp Hội nghị chủ nợ không xác định được thời hạn thì hời hạn thực hiện là không quá 03 năm kể từ ngày Hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh.
  • Đề nghị tuyên bố phá sản.
  • Không thông qua được Nghị quyết Hội nghị chủ nợ do không đạt được quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành.

Bước 6: Ra quyết định tuyên bố Doanh nghiệp phá sản:

Các trường hợp ra quyết định tuyên bố Doanh nghiệp phá sản:

  • Không đáp ứng Điều kiện hợp lệ của Hội nghị chủ nợ là phải có số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm. (khoản 3 Điều 80, Điều 79, Điều 106).
  • Không thông qua được Nghị quyết Hội nghị chủ nợ do không đạt được quá nửa tổng số chủ nợ không có bảo đảm có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số nợ không có bảo đảm trở lên biểu quyết tán thành (khoản 4 Điều 83, khoản 2 Điều 81, Điều 106).
  • Không tổ chức lại được hội nghị chủ nợ (khoản 7 Điều 91, Điều 106).
  • Trường hợp không thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh hoặc hết thời hạn thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh nhưng doanh nghiệp vẫn mất khả năng thanh toán thì Thẩm phán ra Quyết định tuyên bố danh nghiệp phá sản (khoản 2 Điều 96).
  • Nghĩa vụ về tài sản phát sinh sau khi có quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản được giải quyết theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Bước 7: Thi hành tuyên bố doanh nghiệp phá sản.

  • Thanh lý tài sản phá sản;
  • Phân chia tiền thu được từ việc bán tài sản của doanh nghiệp cho các đối tượng theo thứ tự phân chia tài sản.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật TNHH Nguyễn Lê Trần và Cộng sự. Mọi thắc mắc cần được tư vấn của quý khách hàng xin vui lòng liên hệ qua số điện thoại, email hoặc liên hệ trực tiếp tại Công ty để được hỗ trợ.

CÔNG TY LUẬT TNHH NGUYỄN LÊ TRẦN VÀ CỘNG SỰ

Địa chỉ: 14-16 Tôn Đản, Phường 13, Quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh

Hotline: 0938343384 (Ls Binh) – 0938132982 (Ls Quyền) – 0977761893 (Ls Huy)

Email: nltlawfirm@gmail.com

Luật sư hàng đầu tại ILAW:

http://i-law.vn/luat-su/nguyen-duy-binh-301?utm_source=zalo&utm_medium=zalo&utm_campaign=zalo&zarsrc=30

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *